BHG - Huyện Vị Xuyên là nơi hội tụ văn hóa của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, huyện đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và quảng bá bản sắc địa phương.
Vị Xuyên sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, phản ánh bề dày văn hóa và truyền thống của vùng đất này. Trong đó, các di tích tiêu biểu như chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm, chùa Nậm Dầu không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn lưu giữ nhiều di vật cổ quý giá, tiêu biểu là bia chùa Sùng Khánh và chuông chùa Bình Lâm. Bên cạnh đó, huyện còn có những danh lam thắng cảnh nổi bật như hang Đán Poóng (xã Bạch Ngọc) và hang Tham Luồng (xã Minh Tân), thu hút những du khách đam mê khám phá thiên nhiên. Đặc biệt, Vị Xuyên còn là vùng đất linh thiêng với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468, xã Thanh Thủy. Những địa danh này không chỉ là nơi tri ân các thế hệ đi trước mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trở thành điểm đến ý nghĩa thu hút đông đảo du khách viếng thăm và tưởng nhớ. Năm 2024, huyện Vị Xuyên đã thu hút gần 700.000 lượt khách, đạt 100% kế hoạch đề ra và tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước.
Du khách trải nghiệm làm chè tại xã Cao Bồ. |
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện đã triển khai đề án trùng tu, bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên tu bổ các di tích cấp quốc gia, di tích lịch sử cách mạng và những công trình có nguy cơ xuống cấp. Đồng thời, huyện cũng chú trọng xây dựng và bảo tồn các làng văn hóa du lịch cộng đồng, kết hợp với du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên chuỗi điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách. Huyện đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, tiêu biểu như xã Cao Bồ, nơi có sự giao thoa văn hóa của các dân tộc Dao, Tày, Mông. Tại đây, các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, Lễ hội cầu mùa vẫn được duy trì, cùng với các hoạt động nghệ thuật dân gian như hát giao duyên, múa sạp thu hút sự quan tâm của du khách. Nhận thức được tiềm năng du lịch, 10 hộ dân tại thôn Lùng Tao đã phát triển dịch vụ homestay, phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của du khách. Đặc biệt, các đội văn nghệ thôn thường xuyên biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống, mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho khách ghé thăm.
Bên cạnh đó, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến đang trở thành làng văn hóa du lịch trọng điểm với mục tiêu bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Du khách đến đây có thể trải nghiệm sinh thái ruộng bậc thang, chiêm ngưỡng dãy núi Tây Côn Lĩnh với độ cao 2.428 m so với mực nước biển, thưởng thức đặc sản cá hồi và khám phá đồi chè Shan tuyết cổ thụ cùng các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như suối, thác nước... Hàng năm, thôn Xà Phìn đón trên 5.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm.
Chị Bùi Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Khi đến Cao Bồ, tôi có cơ hội tham gia các hoạt động truyền thống như nấu ăn, giao lưu văn nghệ cùng người dân địa phương. Đặc biệt, tôi còn được thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như thịt lợn gác bếp, cá suối nướng và rượu ngô men lá. Người dân nơi đây rất ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, điều này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống”.
Cùng với đó, nhiều lớp dạy đàn Tính, hát Then, hát Cọi, dạy nghề truyền thống được mở ra đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh và Nhân dân. Các cơ sở, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến các sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm được mở rộng quy mô như: Làng nghề rèn dân tộc Dao tại xã Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần; Làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày, Dao tại xã Thuận Hòa, Minh Tân, Kim Thạch, Kim Linh, Việt Lâm; Làng nghề Trạm bạc dân tộc Dao tại xã Cao Bồ, Thượng Sơn, Quảng Ngần… Qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ mai một.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa bản sắc độc đáo của các dân tộc, tạo sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Do đó, chính quyền, địa phương và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản, chung tay phát huy giá trị văn hóa, biến di sản trở thành sản phẩm du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.
Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202504/vi-xuyen-phat-huy-gia-tri-di-san-gan-voi-du-lich-f616f84/
Bình luận (0)