Hợp tác giữa AgriS và ĐHQG TPHCM nằm trong nỗ lực thúc đẩy mô hình liên kết giữa Nhà nước – nhà trường - doanh nghiệp, là cấu trúc quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Thi
Hợp tác này nằm trong nỗ lực thúc đẩy mô hình liên kết "3 nhà": Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, là cấu trúc quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Chứng kiến lễ ký có Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên cam kết triển khai hợp tác trong trong đào tạo và nghiên cứu nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và công nghệ cao. Hai bên cùng thiết kế và triển khai các chương trình tích hợp đào tạo - sản xuất, gắn lý thuyết với thực hành.
Đồng thời, với vai trò doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, AgriS sẽ cùng ĐHQG TPHCM hợp tác triển khai các hoạt động R&D trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm, tập trung vào sản phẩm có nguồn gốc sinh học phục vụ nông nghiệp chính xác và mô hình "Không chất thải", góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT AgriS, sự hợp tác với các cơ sở đào tạo nông nghiệp là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn. Nhà trường và giới khoa học không chỉ cung cấp nguồn lực tri thức, mà còn là nơi khởi nguồn các ý tưởng và mô hình đổi mới sáng tạo có thể ứng dụng vào trong thực tiễn sản xuất.
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng đất và áp lực từ các tiêu chuẩn thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, sự phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh và tính bền vững của ngành. Các doanh nghiệp như AgriS, với vai trò nhà đầu tư và tổ chức triển khai, cần có sự hỗ trợ chuyên môn sâu từ các viện, trường, cơ sở đào tạo để chuyển hóa công nghệ thành ứng dụng thực tiễn.
Việc AgriS đồng hành cùng ĐHQG TPHCM và mô hình "3 nhà" trong giai đoạn hiện nay cho thấy doanh nghiệp đang thúc đẩy hướng đi lấy đổi mới công nghệ, ESG (môi trường – xã hội – quản trị) và số hóa làm trọng tâm. Qua đó, doanh nghiệp kỳ vọng có thể đồng hành cùng các cơ sở đào tạo để phát triển lực lượng lao động "sẵn sàng cho thị trường", góp phần thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết và thực tế sản xuất.
AgriS chủ động kết nối và phối hợp giữa các bên, từ giới học thuật, cơ quan Nhà nước, đến khu vực tư nhân để góp phần cung cấp dữ liệu thực tiễn và góp ý, hiến kế cho quá trình hoàn thiện chính sách - Ảnh: VGP/MInh Thi
Trước đó, vào ngày 18/5, AgriS đã tham gia Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Tại hội nghị, AgriS đã giới thiệu mô hình hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp gồm công nghệ nông nghiệp (AgTech), công nghệ thực phẩm (FoodTech), công nghệ tài chính (FinTech) và khung quản trị ESG.
Các chính sách gần đây, như Nghị quyết 57 và 68 đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình. Thay vì chỉ tập trung vào mở rộng sản xuất, việc đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu phát triển đang trở thành xu hướng bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì khả năng cạnh tranh.
Điểm đáng chú ý trong chiến lược của AgriS là sự chủ động trong kết nối và phối hợp giữa các bên, từ giới học thuật, cơ quan Nhà nước đến khu vực tư nhân. Thay vì chờ đợi các chính sách hoàn thiện, doanh nghiệp tham gia từ giai đoạn xây dựng mô hình thực nghiệm, tổ chức đào tạo và nghiên cứu ứng dụng - điều có thể góp phần cung cấp dữ liệu thực tiễn và phản biện chính sách.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, nơi khoa học – công nghệ và kinh tế tư nhân trở thành hai động lực song hành thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, hợp tác thực chất giữa chính quyền, đại học và doanh nghiệp là nền tảng cốt lõi để kiến tạo quốc gia đổi mới sáng tạo, giúp đất nước làm chủ công nghệ và năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
AgriS và ĐHQG TPHCM cam kết đóng góp tích cực cho các nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới, bền vững và bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Minh Thi
Nguồn: https://baochinhphu.vn/agris-phoi-hop-voi-dai-hoc-quoc-gia-tphcm-dao-tao-nhan-luc-nong-nghiep-cong-nghe-cao-102250525093721113.htm
Bình luận (0)