Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

An Phú - dấu ấn xây dựng và phát triển

Trong điều kiện khó khăn, người An Phú luôn cần cù, sáng tạo, nghĩa khí, kiên cường; luôn vượt qua thử thách để giành thắng lợi, giữ vững độc lập tự do, tiến lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Báo An GiangBáo An Giang30/04/2025

Xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên của huyện An Phú sang Hàn Quốc, mở ra liên kết mới trong sản xuất - tiêu thụ

Hơn 95 năm từ khi có Đảng lãnh đạo được xem là thời kỳ rực rỡ, hào hùng nhất trong lịch sử phát triển của huyện. Đó là thời kỳ cả người và đất An Phú đều xung trận, trực tiếp góp phần đánh bại Pháp và Mỹ, tiếp tục chiến thắng bọn xâm lược diệt chủng Pol Pot, tiến lên thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả ấy là những trang sử vàng chói lọi, là ngọn cờ hiệu triệu, cổ vũ động viên thế hệ hôm nay lẫn mai sau tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, xây dựng quê hương An Phú phát triển.

Từ khó khăn nghiêm trọng về điện - đường - trường - trạm - chợ, nay huyện đã hình thành đầy đủ, từng bước hiện đại. Nhiều công trình tạo động lực phát triển, như: Quốc lộ 91C, Đường tỉnh 957, cầu Long Bình, cảng Long Bình, cảng Vĩnh Hội Đông… Địa phương tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, kết hợp xây dựng mới trên cơ sở đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn ở các xã trên cơ sở lồng ghép xây dựng tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển hệ thống giao thông vùng biên giới trên cơ sở hòa bình, hữu nghị hợp tác phát triển với huyện Bourei Cholsar, Kaoh Thom, thuộc tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Hệ thống giao thông đường bộ, giao thông gắn với hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành.

Theo Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường, thương mại - dịch vụ - du lịch là khâu đột phá thúc đẩy huyện An Phú phát triển. Huyện tập trung kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng chợ biên giới, trung tâm thương mại, trọng tâm là hỗ trợ triển khai nhanh dự án hạ tầng kỹ thuật Khu thương mại - dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các khu chức năng, kho, bãi tập kết… tại khu vực kinh tế cửa khẩu (các xã biên giới), tập trung phát triển hạ tầng logistics, giúp doanh nghiệp, hộ gia đình đẩy mạnh giao thương hàng hóa qua biên giới. 

Cầu Long Bình hoàn thành đã kết nối tuyến giao thông huyết mạch của huyện, mở ra hướng phát triển cho các xã biên giới: Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình. Nâng chất và duy trì thường xuyên sự kiện xúc tiến thương mại biên giới, giao thương doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Campuchia, xây dựng kênh đối thoại các cơ quan chức năng Campuchia hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, mở rộng thị trường thông qua họp định kỳ với 2 tỉnh giáp biên. Địa phương tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia theo chủ trương xã hội hóa hoạt động du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của du khách; chú trọng khai thác giá trị văn hóa Chăm và khu vực Búng Bình Thiên; tập trung vào sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biên giới, văn hóa, sinh thái, sông nước...).

An Phú định hướng phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triển. Phát huy mọi nguồn lực của xã hội nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương một cách bền vững; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khắc phục yếu kém, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề. 

Chăm lo đời sống, sức khỏe của Nhân dân là nội dung hàng đầu, bao trùm toàn bộ tiến trình phát triển của huyện An Phú đến năm 2030. Phát triển hệ thống y tế trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh. Năm 2024, huyện vận động Quỹ Vì người nghèo trên 8,2 tỷ đồng; vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kết hợp với nguồn Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ cất mới 162 căn nhà Đại đoàn kết (gần 10 tỷ đồng); vận động xây dựng 2 cầu dân sinh tại xã Phú Hữu (trên 7,6 tỷ đồng)… An Phú xác định chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Từ đó, tập trung nỗ lực, nguồn lực để sớm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân…

Theo Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục là nhiệm vụ then chốt trong tiến trình phát triển của huyện; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng chính quyền Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ huyện An Phú kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; quyết tâm chăm lo lợi ích của Nhân dân, thấm nhuần phương châm: “Đem của dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân”. Với truyền thống vẻ vang, với sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết, với bản lĩnh của Đảng bộ đã được khẳng định qua nhiều khó khăn, thử thách, An Phú quyết tâm phát triển bền vững trong thời gian tới.

Quý I/2025, giá trị sản xuất (GO, giá so sánh năm 2010) đạt 1.503 tỷ đồng. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 210 tỷ đồng, đạt 27% so kế hoạch, tăng 5% so cùng kỳ. Doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 1.724 tỷ đồng, đạt 26,3% so kế hoạch, tăng 2,2% so cùng kỳ. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn 372 triệu USD, đạt 24,8% kế hoạch...

HỮU HUYNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-phu-dau-an-xay-dung-va-phat-trien-a419921.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm