Trong các nhiệm vụ để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 14% ở năm 2025, ba đột phá chiến lược được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng. Trên tinh thần kế thừa, trách nhiệm, nối tiếp những thành công trước đó, bám sát kịch bản tăng trưởng của tỉnh, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành đã kịp thời xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát, chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém để từ đó nâng tầm ba đột phá chiến lược ở giai đoạn mới theo hướng cụ thể hóa cho phù hợp với bối cảnh thực tế của tỉnh và khu vực.
Theo đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tham gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án. Đến hết quý I, tỉnh đã rà soát, phân loại, có giải pháp căn cơ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho hơn 70 dự án, công trình trọng điểm; công bố thông tin về 14 khu vực khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng với tổng trữ lượng hàng chục triệu m3, từ đó cơ bản tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc liên quan đến đất đai, quy hoạch, chấm dứt tình trạng tồn đọng kéo dài của 12 dự án…
Để thúc đẩy các dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ, đóng góp vào tăng trưởng, Quảng Ninh đã tăng cường đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC. Trong quý, đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh giai đoạn 1 tại KCN Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư là 690 triệu USD; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành các TTHC về môi trường, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình… để đưa các dự án vào hoạt động sớm; tổ chức khánh thành, đưa Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vào sản xuất thương mại; tổ chức làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh (Vingroup, Sun Group, BIM Group) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Công viên Đại Dương Hạ Long, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh… Đây là các dự án có tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe, học tập của người dân, góp phần chỉnh trang đồng bộ hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
Song song với đó, tiếp tục tạo đột phá về năng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng việc không ngừng nỗ lực, nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với phương châm “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. Trong quý I/2025, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DGI, DDCI, DTI; hoàn thành báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá chỉ số PAR INDEX báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa và đơn giản hóa các TTHC, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai; thực hiện rút ngắn thời gian các thủ tục thuế, hải quan, thông quan, xuất, nhập khẩu, kiểm dịch; đẩy mạnh số hóa trong giải quyết các TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức.
Đến nay, 100% các cơ sở đã triển khai thực hiện sử dụng CCCD có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống Chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn: 100% các văn bản được xử lý trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật); 91% số hồ sơ giải quyết TTHC tiếp nhận trên môi trường mạng, giải quyết, trình, ký số, trả kết quả hoàn toàn trên môi trường mạng. Trong quý I, có 410 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 6 vùng đồng bằng Sông Hồng với số vốn đăng ký đạt 4.615 tỷ đồng.
Đối với đột phá về nguồn nhân lực, tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án chiến lược phát triển của Trường Đại học Hạ Long đến năm 2030; ban hành quyết định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh; thực hiện kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; cải thiện, nâng cao thứ hạng điểm trung bình tốt nghiệp THPT; đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tập trung thu hút và phát triển nhân tài, nhân lực kỹ thuật cao, nhân lực có kỹ năng; phát triển nhanh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp… để từ đó hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao, làm chủ công nghệ. Đây là yếu tố cốt lõi để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hướng đến tăng trưởng chất lượng cao, mạnh mẽ và bền vững không chỉ ở năm 2025 mà còn cả giai đoạn sắp tới.
Việc thực hiện ba đột phá chiến lược tại Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục chuyển động mạnh mẽ. Điều này đã tạo động lực rất lớn, nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh trong năm 2025, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 14% mà tỉnh đã đặt ra.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ba-dot-pha-chien-luoc-tiep-tuc-chuyen-dong-manh-me-3353337.html
Bình luận (0)