Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 1- Pác Nặm vùng đất giàu bản sắc

BBK - Pác Nặm là vùng đất đa sắc màu của các tộc người, với những lễ hội, nét văn hóa riêng biệt đầy hấp dẫn. Huyện Pác Nặm đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn25/05/2025

z4096169245551-34b6ad96ef2595f13ceb40ab54543582-1920x1084.jpg
Trò chơi “Ném Pao” tại Hội Khai xuân dân tộc Sán Chỉ.

Huyện Pác Nặm có 07 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chiếm số đông là dân tộc Mông, Dao, Tày, Sán Chỉ... Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng. Người Mông sinh sống ở những bản làng vùng cao với bộ trang phục truyền thống ấn tượng. Cộng đồng này ghi dấu với nghệ thuật múa khèn được hình thành từ ngàn xưa, thường diễn ra vào dịp tết, lễ hội. Người Tày với chữ Nôm và kho tàng văn nghệ dân gian phong phú như thơ, ca, múa, nhạc. Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ…

Sinh sống ở những địa bàn khác nhau, mỗi cộng đồng đều có những nét đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa, từ đó hình thành nên những nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian và nét ẩm thực độc đáo, như: Nghi lễ Then của người Tày, lễ cầu mùa của người Sán Chỉ…

9f26e3c9e0884fd61699-1920x1318.jpg
Điệu múa mặt nạ Ka Đong độc đáo của dân tộc Sán Chỉ.

Lễ hội Khai xuân của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, với mong ước tốt lành cho một năm mới sung túc. Trong ngày khai hội, những bậc cao niên trong thôn đại diện cho cộng đồng thực hiện nghi lễ cúng tế… Sau phần lễ, không gian lễ hội bừng lên với tiếng hát Sình ca – làn điệu dân ca đặc trưng của người Sán Chỉ và điệu múa mặt nạ – một nét văn hóa hiếm có, được trình diễn bởi các chàng trai trẻ với trang phục và mặt nạ đầy màu sắc, tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma, cầu mong bình an cho cả làng…

Sự bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc ở Bộc Bố đã mở cơ hội để văn hóa lan tỏa. Đó cũng là lý do lễ hội được duy trì tổ chức trong suốt nhiều năm qua. Ngày hội đến nay vẫn giữ vẹn nguyên những nét bản sắc văn hóa độc đáo, đó là những món ăn; những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt của đồng bào Sán Chỉ; những lời ca, điệu múa nhịp nhàng như gọi mời, giữ chân du khách về với Bộc Bố để có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của đồng bào vùng cao.

img-7645.jpg
Đồng bào Mông ở Pác Nặm vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.

Trên địa bàn huyện Pác Nặm có 13 lễ hội tại các xã, trong đó có 2 lễ hội truyền thống cấp huyện. Những lễ hội đã không chỉ nằm trong khuôn khổ của mỗi bản làng, cộng đồng, vùng miền mà giờ đã tạo dựng được thương hiệu riêng. Không chỉ được bảo tồn, giữ nguyên những nét văn hóa độc đáo mà giờ đây, lễ hội còn được phát huy các giá trị để thực hiện lồng ghép với các mục tiêu phát triển của địa phương.

Sở dĩ những bản sắc ấy vẫn được gìn giữ và duy trì là do những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Pác Nặm luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Pác Nặm lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một trong 03 chương trình trọng tâm là “Xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân”. Với mục tiêu cụ thể là: “Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Hệ thống được toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể gồm: Các lễ hội, phong tục, nghề, nghệ thuật truyền thống, làn điệu dân gian, dân vũ, và thực hiện bảo tồn những di sản phi vật thể có nguy cơ thất truyền, mai một trên cơ sở gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng”.

Hiện nay, trên địa huyện Pác Nặm có 05 di sản văn hoá phi vật thể được công nhận là Chữ Nôm Tày, Lượn Cọi, Hát then đàn tính của đồng bào dân tộc Tày, Hát Pá Dung của đồng bào dân tộc Dao, Hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu; 49 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê và nhận diện đưa vào danh mục cần được bảo tồn. Một số nghề truyền thống còn lưu giữ được là nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán chỉ, Mông, Dao.

Những năm qua, huyện cũng thành lập được 11 Câu lạc bộ Văn hóa, Thể thao – Làng văn hóa; 08 đội văn nghệ tuyên truyền cổ động; 11 câu lạc bộ hát then, đàn tính; 01 câu lạc bộ Khèn Mông.

img-7576.jpg
Câu lạc bộ Khèn Mông huyện Pác Nặm tập luyện cho lễ hội.

Ít có vùng đất nào lại đang nắm giữ kho tàng văn hóa truyền thống phong phú như Pác Nặm. Đó đều là những nét tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất này. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều thách thức…/.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://baobackan.vn/bai-1-pac-nam-vung-dat-giau-ban-sac-post70963.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm