Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 2- Những thách thức cho sự tồn tại bền vững

BBK - Hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống ở Pác Nặm hết sức phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Thế nhưng “kho tàng” văn hóa truyền thống này đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đây là thực trạng cần được quan tâm hiện nay.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn25/05/2025

Thưa vắng "cây cao bóng cả"

Được xem là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Pác Nặm, thế nhưng số lượng nghệ nhân đang giảm dần theo thời gian bởi hầu hết trong số họ đều đã cao tuổi.

Mấy chục năm qua, ở nếp nhà nhỏ tại bản Nà Coóc, xã Bộc Bố, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc đã miệt mài sưu tầm, ghi chép lưu giữ hàng trăm cuốn thư tịch chữ Nôm Tày. Biết chúng tôi muốn được mục sở thị kho sách quý, ông Phúc lặng lẽ, run run mở cánh tủ gỗ đặt ở tầng trệt ngôi nhà.

img-6725.jpg
Năm nay đã 95 tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc vẫn rất tâm huyết với chữ Nôm Tày.

Khi cánh tủ được mở ra, phía trong là những quyển sách khâu gáy chi chít ký tự. Gia tài này của ông đã được truyền thừa cả trăm năm, cùng với đó là những cuốn sách được ông ghi chép lại trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về chữ Nôm Tày. Thể loại sách cũng rất phong phú và đa dạng. Từ sách văn học dân gian như truyện Lương Nguyên, Phạm Công-Cúc Hoa, Tần Chu; thơ Nôm Tày… đến sách thực hành tín ngưỡng Tày như Kỳ yên, giải hạn, nối số, đầy tháng, sách cấp sắc.

“Sách chữ Nôm Tày rất nhiều, hiện tôi có vài trăm cuốn. Chủ yếu do các cụ từ xưa truyền lại và một phần tôi tự tìm hiểu, ghi chép thêm. Chữ Nôm Tày là người già truyền lại cho tôi. Giờ thì ít người biết lắm. Ở huyện Pác Nặm chỉ còn khoảng năm đến sáu người biết thôi. Nếu không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp thì trong vài năm nữa di sản này sẽ bị thất truyền”, ông Phúc trầm ngâm chia sẻ.

Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương.

6-gvoc.jpg
Lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể Lượn Cọi của người Tày huyện Pác Nặm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Pác Nặm cho biết: Số lượng người tiếp cận, thực hành, sử dụng chữ viết Nôm Tày hiện nay rất ít. Huyện cũng xác định di sản chữ Nôm Tày là một trong những di sản quý. Tuy nhiên vẫn chưa có được công trình hay chương trình nào liên quan đến bảo tồn chữ Nôm Tày. Chúng tôi mong muốn các cấp ngành, tỉnh quan tâm hỗ trợ để huyện bảo tồn di sản chữ Nôm Tày trong thời gian tới".

Nghệ nhân dân gian biết đến các loại hình văn hóa truyền thống đều ở độ tuổi “gần đất, xa trời” nên mỗi năm cứ thế thưa bóng dần, nỗi lo người kế tục vẫn là bài toán khó.

cc0ac1f931e58abbd3f4.jpg
Rất ít người trẻ tham gia các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống.

Nỗi lo người kế tục

Với 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa đã tạo cho huyện Pác Nặm có nhiều nét văn hóa dân tộc, cộng đồng phong phú. Những năm qua, phần đông người trẻ ít quan tâm hoặc không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của cha ông. Một bộ phận giới trẻ đi làm ăn xa không có nhiều điều kiện để tiếp cận, thực hành và gìn giữ văn hóa truyền thống; một bộ phận lại chưa chủ động trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống. Trong khi đó, các nghệ nhân dân gian ngày càng cao tuổi và thưa thớt dần, tạo ra những thách thức lớn cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

img-0907.jpg
Ông Tân và cháu gái đang nói về cách làm ra một cây khèn tốt.
476835388-122138952950460103-6188718138839733236-n-5604.jpg
Ông Hoàng Minh Tân, thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm.

Ông Hoàng Minh Tân, ở thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh là một trong những người biết chế tác và sử dụng nhuần nhuyễn khèn Mông. Thế nhưng, việc truyền dạy nghệ thuật Khèn Mông gặp không ít khó khăn. Do con cháu người Mông chủ yếu đi làm ăn xa; nhiều cháu thì chưa muốn theo học vì thấy khó, cần thời gian thực hành luyện tập, mặc dù ông đã nỗ lực để truyền đạt.

Ông Tân chia sẻ: "Nỗi lo người kế tục cũng là điều khiến tôi trăn trở, bởi bản thân rồi cũng già đi, nếu các con các cháu, thế hệ trẻ không muốn học thì sau này trong gia đình, dòng họ không ai biết đến các loại nhạc cụ, những làn điệu dân ca của dân tộc mình".

Tình trạng mai một, khó bảo tồn còn ở mảng kiến trúc, trang phục truyền thống, nghi lễ truyền thống của dân tộc...Theo phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Pác Nặm, văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện đang đứng trước những thách thức lớn, do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó: Trước hết cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tại địa phương chưa có nhân sự chuyên môn sâu về lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống; kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn còn khó khăn và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu; chưa có chính sách thỏa đáng hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian, người truyền dạy văn hóa truyền thống tại các địa phương. Việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản chủ yếu tự “sinh” tự “dưỡng” nên việc duy trì tập luyện không được thực hiện thường xuyên, thậm chí phải giải thể.

img-0900.jpg
Khi thấy có thanh niên muốn học về khèn hoặc những bài hát của người dân tộc Mông, ông Tân rất vui.

Mặt khác, đối với việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian, các nghệ nhân thực hiện truyền dạy chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế và những gì mình nhớ được bằng hình thức truyền miệng, không có tài liệu, tư liệu nên ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện…/.

(Còn nữa)

Nguồn: https://baobackan.vn/bai-2-nhung-thach-thuc-cho-su-ton-tai-ben-vung-post70964.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm