Nhà giàn DK1-17 (Phúc Tần). Ảnh: TRỌNG HUY |
Phút giây không thể quên
Ngày thứ năm của chuyến đi bắt đầu bằng sắc nước xanh ngọc bích hiếm có của vùng biển quanh cụm đảo Đá Tây. Đứng từ Đá Tây C, có thể quan sát rõ hai đảo “anh em” là Đá Tây A và Đá Tây B, ba thực thể cấu thành thế chân kiềng vững chãi của Việt Nam giữa Biển Đông rộng lớn.
Chiến sĩ Trần Phan Quốc Thắng, 21 tuổi, một trong ba chiến sĩ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ tại đảo. Xuất thân trong gia đình có ba thế hệ quân nhân, từ ông nội là cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp, đến cha và anh trai đều từng khoác áo lính, Thắng là người thứ tư tiếp bước, vững vàng nơi đầu sóng. “Khi nghe gia đình báo tin thành phố đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi thấy mình như được tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, một niềm tự hào nối dài trong gia đình và thế hệ trẻ hôm nay”, Thắng tâm sự.
Đoàn công tác cập đảo Trường Sa lớn, Trung tâm hành chính, chính trị của huyện đảo Trường Sa. Tại đây, đoàn tổ chức dâng hương tại chùa Trường Sa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Không khí trang nghiêm của những điểm dừng chân thiêng liêng hòa cùng tiếng chuông chùa ngân vang như làm dịu đi cái nắng gay gắt nơi đảo xa. Trong hội trường của đảo, chỉ huy trưởng thay mặt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ và cảm ơn đoàn mang tình cảm từ đất liền ra thăm. Truyền thống “đoàn kết, thống nhất, kiên định lý tưởng” được nhấn mạnh trong lời phát biểu của chỉ huy đảo, như một lời cam kết vững chắc trước Tổ quốc: “Dù hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.”
Mùa này, Trường Sa ít mưa, nhưng sắc xanh tràn ngập đảo khiến ai nấy đều hiểu rõ chương trình “xanh hóa Trường Sa” đã thắp lên hy vọng, lan tỏa sự sống nơi đầu sóng ngọn gió. Lời bài hát “Mưa Trường Sa” vang lên đâu đó trong ký ức mỗi người: “Mưa đi mưa đi, đảo nhỏ chờ mưa…”. Tối cùng ngày, sân đảo rộn ràng bởi chương trình giao lưu văn nghệ đầy thân tình giữa đoàn công tác và quân, dân trên đảo. Những tiết mục cây nhà lá vườn nhưng đầy cảm xúc, là sự quyện hòa giữa tiếng hát từ đất liền và nhịp sống sôi động trên đảo. Tiếng cười, tiếng vỗ tay và những ánh mắt lấp lánh trong đêm đã kết nối hàng trăm trái tim thành một khối keo sơn vững chắc.
Đặc biệt, lễ chia tay trên cầu tàu Trường Sa lớn là khoảnh khắc khiến nhiều người xúc động. Hơn 200 đại biểu từ các địa phương ép về phía mạn tàu, vẫy tay chào những hàng dài quân và dân đang tiễn biệt. Hai bên cùng nhau hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước”, không lời nào đủ diễn tả hết xúc cảm lúc ấy. Những bàn tay vẫy chào kéo dài đến khi tàu xa khuất. Những ánh mắt dõi theo mãi không rời. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu: Trường Sa đã ở lại trong tim mỗi người. Và từ giây phút ấy, hải trình Trường Sa trở thành một phần trong tâm thức mỗi người, tiếng gọi thiêng liêng mãi ngân trong lòng.
5 giờ sáng, tàu thả neo cạnh nhà giàn DK1-17 Phúc Tần. Biển yên, trời trong xanh. Đó là may mắn hiếm có, bởi không phải đoàn công tác nào cũng có điều kiện thời tiết thuận lợi để lên được nhà giàn. Từ xa, công trình DK1 hiện lên như một cột mốc kiêu hãnh giữa trùng khơi. Cao gần 40 mét, vững vàng giữa gió biển, DK1-17 là một trong những trạm dịch vụ - khoa học - kỹ thuật hiện đại, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa phía nam. Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân là đơn vị đang làm nhiệm vụ tại đây. Ngoài nhiệm vụ canh gác, bảo vệ chủ quyền, các chiến sĩ còn phải đối mặt với môi trường sống khắc nghiệt. Thế nhưng, họ vẫn duy trì nếp sống sinh hoạt khoa học, tạo cảm giác như một “ngôi nhà trên biển”. Ấn tượng đặc biệt với các đại biểu lần đầu lên nhà giàn là “hồ cá giữa đại dương”, thực chất là một đàn cá thường vây quanh chân giàn mỗi lần chiến sĩ thả cơm. Gọi vui là “Ao cá Bác Hồ”, đó là hình ảnh sống động, gợi nhắc tới nét sinh hoạt gần gũi, ấm áp giữa đại dương mênh mông. Những luống rau mồng tơi, rau cải trên nhà giàn xanh tốt bất ngờ. Điều đó không đơn thuần là kỹ thuật, mà là cả một tinh thần vượt khó, sáng tạo, trách nhiệm cao độ với từng bữa ăn, từng nhịp sống giữa biển khơi.
Khép lại hành trình, mở ra niềm tin
Tàu KN 390 bắt đầu chuyến ngược sóng trở về đất liền. Biển nổi sóng cấp 6. Những cơn “ổ gà” bất ngờ, cách dân đi biển gọi những đợt sóng lừng mạnh khiến không ít người chao đảo, nhưng trầm trồ vì được nếm trọn vẹn sóng gió khơi.
Trong cabin tàu, nhiều người lặng lẽ xem lại những tấm ảnh đã chụp Song Tử Tây, Cô Lin, Trường Sa, nhà giàn DK1. Những khuôn mặt người lính, nụ cười em bé trên đảo, màu xanh cây bàng vuông, cột mốc chủ quyền... tất cả trở thành hành trang ký ức. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân, Trưởng đoàn công tác, nói vui: “Cả hành trình biển êm, đến khi về có sóng một chút, để các đại biểu thấy trọn vẹn giá trị của mỗi hải trình. Biển đâu chỉ xanh, biển còn gió, còn dập dềnh, còn thử thách, giống như tình yêu Tổ quốc, không chỉ ngọt ngào, mà cần bản lĩnh để gìn giữ.”
Trong bản tin “Lời biển gọi Trường Sa” vang lên từ tàu KN390, phát thanh viên nhấn mạnh: “Hải trình kết thúc, nhưng Trường Sa mãi trong tim mỗi người”. Và đó cũng là cảm nhận chung của tất cả đại biểu trong đoàn. Hành trình đi không phải để kết thúc, mà để bắt đầu một hành trình khác: hành trình truyền lửa, hành trình kể lại, hành trình bảo vệ những điều thiêng liêng nhất của đất nước.
Giữa trùng khơi, chúng ta gặp những cột mốc sống là những người lính, những mái nhà nhỏ nơi đảo xa, những luống rau, những ngọn hải đăng, những nắm đất bám rễ nơi đầu sóng. Trường Sa không chỉ là điểm đến, mà là điểm tựa để đất nước vươn ra biển lớn với niềm tin vững bền.
Thư gửi Trường Sa |
TRỌNG HUY
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/hanh-trinh-den-truong-sa-bai-cuoi-truong-sa-mai-mai-trong-tim-4006190/
Bình luận (0)