Theo Bộ Nội vụ, về xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Các tỉnh, thành phố đã thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổng số có 23 Đề án) và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (tổng số có 63 Đề án) để trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) trước ngày 1/5 theo quy định.
Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã tập trung huy động tổng lực, nước rút tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án 63 tỉnh, thành phố; đồng thời xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và 34 bộ hồ sơ Đề án sắp xếp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các cặp tỉnh mới thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Đến ngày 8/5, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định (có hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã kèm theo).
Qua thẩm định và tổng hợp, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết quả cụ thể như sau:
Về kết quả lấy ý kiến nhân dân: Tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ đồng thuận đạt cao, trung bình đạt gần 96%.
![]() |
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Về kết quả thông qua HĐND các cấp: Tất cả HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm và hình thành mới sau sắp xếp: Theo tổng hợp từ hồ sơ Đề án của các địa phương, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm 6.714 đơn vị (giảm 66,91%, bảo đảm tỷ lệ giảm theo quy định của Trung ương là từ 60-70%, từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã).
Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giảm lớn nhất (76,05%) và thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ giảm thấp nhất (giảm 60%).
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên) là: 128 đơn vị của 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 đơn vị có vị trí biệt lập thuộc 15 tỉnh, thành phố.
Năm địa phương có số lượng giảm ít là: Thành phố Cần Thơ (giảm 60%); Sóc Trăng (60,19%); Đắk Nông (60,56%); Bến Tre (60,58%) và Kon Tum (60,78%).
Nhìn chung, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm bình quân cả nước là 66,91%, phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và điều kiện thực tiễn của các địa phương, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân để phục vụ người dân tốt hơn.
Về số lượng cán bộ, công chức chính quyền địa phương các cấp: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về sáp nhập một số tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, xây dựng lộ trình tinh giản biên chế, bảo đảm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ hướng dẫn bố trí cán bộ, công chức của chính quyền địa phương 2 cấp theo các nguyên tắc sau:
![]() |
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Về biên chế cấp tỉnh: Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.
Khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Về biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu): Trước mắt, cơ bản giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc).
Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/1 xã, phường, đặc khu (bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã).
Dự kiến biên chế cán bộ, công chức giảm (không tính biên chế viên chức): Với cấp tỉnh, số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022 là 110.233 biên chế cán bộ, công chức.
Số lượng biên chế cấp tỉnh sau thời điểm sắp xếp và chính quyền địa phương cấp tỉnh đi vào hoạt động ổn định: Dự kiến bố trí khoảng 91.784 biên chế cán bộ, công chức, theo đó dự kiến giảm khoảng 18.449 biên chế (do cơ cấu lại theo vị trí việc làm, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo chính sách).
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Với cấp xã: Hình thành sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện và chuyển biên chế cấp huyện về cấp xã (cũ) để sắp xếp theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Số lượng biên chế cấp huyện, cấp xã được cấp có thẩm quyền giao năm 2022 là 310.046 biên chế cán bộ, công chức, trong đó, cấp huyện có 97.440 biên chế và cấp xã có 212.606 biên chế…
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương, Chính phủ, các cơ quan Trung ương, hiện đã bảo đảm ổn định hoạt động, đồng thời phải tiếp tục sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.
Vừa qua, chúng ta đã triển khai tích cực thực hiện việc này theo chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ liên quan công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Thủ tướng biểu dương các địa phương theo chỉ đạo của Trung ương đã lấy ý kiến của nhân dân về chính quyền 2 cấp, sắp xếp theo gợi ý của Trung ương.
Cùng với chính quyền, chúng ta phải làm tiếp sắp xếp các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.
Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ giao làm cơ quan thường trực đã tập trung lực lượng, công sức, ngày đêm làm để hoàn thành 2 bộ tài liệu về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo tinh thần còn 34 tỉnh, thành phố; bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp xã giảm đi khoảng 60-70% số xã để còn hơn 3.000 xã.
Phiên họp này Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; Quốc hội đang lấy ý kiến của nhân dân về sửa một số điều của Hiến pháp; cho ý kiến vào đề án; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đã thực hiện quy trình theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị với tinh thần chấp hành nghiêm túc, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm ở các cấp; nhanh chóng thu hẹp đầu mối cấp xã, đặt tên, làm công tác tư tưởng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chuẩn bị một bước cho công tác cán bộ…
Sau khi trình và được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ bắt tay ngay vào việc sắp xếp, nhất là tổ chức cán bộ của chính quyền địa phương các cấp, đưa bộ máy mới vào hoạt động theo dự kiến từ ngày 1/7 với mục tiêu bảo đảm đồng bộ, ổn định, không được để ách tắc công việc, nhất là các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://nhandan.vn/sap-xep-to-chuc-lai-don-vi-hanh-chinh-cac-cap-bao-dam-on-dinh-khong-de-ach-tac-cong-viec-post878430.html
Bình luận (0)