Trải qua những lần sắp xếp trong lịch sử, bộ máy chính quyền địa phương của nước ta từng bước nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi trong xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, nguồn lực của Nhà nước vẫn chưa thể tối ưu với mô hình chính quyền địa phương 3 cấp.
Hình ảnh búp bê Matryoshka (búp bê truyền thống của nước Nga) được PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và quản trị công tại TPHCM, sử dụng để ẩn dụ về các cấp hành chính của nước ta trước thời điểm thực hiện bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh và xã. Búp bê Matryoshka thường gồm một bộ nhiều con rỗng ruột, kích thước nhỏ dần được lồng vào nhau.
PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và quản trị công tại TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
"Hình ảnh này giống như các cấp chính quyền địa phương từ lớn đến nhỏ giống nhau, chỉ khác về kích thước. Cấp chính quyền địa phương cũng giống như cấp Trung ương thu nhỏ, lấy lãnh thổ là cơ sở duy nhất thiết lập cơ quan hành chính, kể cả các cơ quan theo ngành dọc, cơ quan tư pháp", PGS.TS Huỳnh Văn Thới phân tích.
Những hạn chế của mô hình tổ chức chính quyền khiến công tác cải cách hành chính chưa thể thực hiện triệt để, hiệu quả của sự tinh giản chưa đạt sự đồng bộ giữa các cấp. Do đó, việc bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh là yêu cầu tất yếu trong thời điểm này, đây cũng là xu thế được nhiều quốc gia trên thế giới nhận diện, khắc phục và đạt nhiều kết quả khả quan.
Những cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân dẫn lại chương trình Kallikratis của Hy Lạp diễn ra từ đầu năm 2011. Thời điểm đó, Chính phủ Hy Lạp sáp nhập hơn 1.000 đơn vị hành chính nhỏ thành 325 đô thị và 13 vùng hành chính với mục tiêu nâng cao quy mô quản lý, hiệu quả vận hành bộ máy.
Sau cuộc cải tổ đó, chương trình Kallikratis giúp Hy Lạp tiết kiệm khoảng 500 triệu euro mỗi năm cho ngân sách. Năng lực tài khóa của địa phương, khả năng cung cấp dịch vụ công cũng được cải thiện rõ rệt.
"Chương trình Kallikratis để lại nhiều bài học quý cho chúng ta về sự chuẩn bị kỹ lưỡng thể chế, hạ tầng, nhân sự và truyền thông trước khi thực hiện cuộc cải cách lớn. Việc tái phân bổ nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý phù hợp với quy mô mới cũng là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi chiến lược dài hạn và sự đồng thuận cao trong xã hội", PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân phân tích.
PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân, Giảng viên cao cấp Đại học Mở TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
Từ sau Thế chiến II, Đức cũng là quốc gia không ngừng thực hiện cải cách hành chính. Hệ thống chính quyền địa phương tại Đức được tổ chức thành 2 cấp chính là huyện và đô thị, với sự phân quyền rõ ràng, trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho từng cấp.
"Một kinh nghiệm nổi bật của Đức là thành lập các trung tâm hành chính vùng nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tăng khả năng điều phối giữa các địa phương. Chính phủ Đức cũng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, phát triển cổng dịch vụ công quốc gia có khả năng liên kết, đồng bộ", PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân chia sẻ.
Vị chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm nước Đức cho thấy, cải cách bộ máy chính quyền địa phương không đơn thuần chỉ là tổ chức lại, tái cấu trúc mà còn là quá trình hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng số, khuyến khích sáng tạo, đẩy mạnh liên kết vùng.
Vào năm 2007, Đan Mạch cũng trải qua một trong những cuộc cải cách chính quyền địa phương quan trọng nhất trong lịch sử. Quốc gia này nổi bật với chiến lược cải cách hành chính được chuẩn bị kỹ lưỡng, công khai kế hoạch nhiều năm để toàn xã hội nghiên cứu, chuẩn bị, thích ứng.
Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ là điểm chung trong công cuộc cải cách hành chính của các nước phát triển (Ảnh: Q.Huy).
Sau cải cách, Đan Mạch hình thành các siêu đô thị có quy mô lớn, quyền tự chủ mạnh mẽ về tài chính và khả năng hoạch định chính sách riêng. Tương tự cuộc cải cách của Đức, quá trình tái cấu trúc bộ máy của Đan Mạch gắn liền với đầu tư công nghệ, số hóa nhiều lĩnh vực để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, sáp nhập các tỉnh, thành đang là yêu cầu cấp bách đối với nước ta trong bối cảnh phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với thế giới. Với kinh nghiệm quốc tế và thực trạng trong nước, công cuộc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng đầu mối hành chính.
Việc tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi thực hiện đồng bộ với chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức quản trị, phát triển đội ngũ cán bộ, lãnh đạo có năng lực và tầm nhìn chiến lược.
Cần phân quyền mạnh mẽ
Nêu ví dụ về các nước trên thế giới, TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho biết, Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc xây dựng chính quyền đô thị không có cấp trung gian. Các bang và thành phố lớn có quyền tự quản mạnh mẽ.
Cấu trúc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Mỹ gồm cấp Liên bang có nhiệm vụ thiết lập khung pháp lý chung; các tiểu bang có quyền điều chỉnh luật pháp liên quan đến đô thị; cấp chính quyền đô thị hoạt động độc lập và có ngân sách riêng.
"Các thành phố lớn như New York, Los Angeles trực tiếp quản lý dịch vụ công như giao thông, an ninh, giáo dục mà không cần thông qua cấp quận. Điều này sẽ làm tăng cường hiệu quả hành chính", TS Nguyễn Minh Nhựt thông tin.
TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
Nhật Bản cũng là quốc gia áp dụng mô hình "thành phố chỉ định", cho phép các thành phố lớn trực tiếp quản lý dịch vụ công mà không cần cấp trung gian. Mô hình này giúp giảm gánh nặng tài chính, tăng tính tự chủ cho chính quyền đô thị.
Mô hình chính quyền đô thị không có cấp trung gian tại Nhật Bản gồm chính quyền trung ương chịu trách nhiệm thiết lập luật pháp, hỗ trợ tài chính; cấp chính quyền đô thị sẽ tự quyết các chính sách phát triển kinh tế, hạ tầng, giáo dục; các phường ở cấp cuối cùng chỉ thực hiện các nhiệm vụ hành chính cơ bản.
Pháp cũng là nước có mô hình chính quyền đô thị không tổ chức cấp trung gian, có sự phân quyền mạnh mẽ. Các thành phố lớn được trao quyền tự chủ cao, có thể ban hành các chính sách riêng, linh hoạt trong hoạch định chính sách đô thị và quản lý ngân sách.
Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, việc bỏ cấp trung gian trong chính quyền đô thị là xu hướng cải cách phù hợp với bối cảnh hiện nay của nước ta. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để mô hình này thành công, Việt Nam cần sự cải cách mạnh mẽ về khung pháp lý, trao quyền tự chủ cao hơn cho địa phương.
Ngoài ra, bộ máy hành chính cần đổi mới theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo. Đi kèm với đó, vấn đề kiểm soát quyền lực, vai trò giám sát của HĐND cần được nâng cao.
Đi kèm với việc không tổ chức cấp chính quyền trung gian, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương cần được đẩy mạnh (Ảnh: Nam Anh).
Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Văn Thới cho rằng, khi bỏ cấp chính quyền trung gian, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là yêu cầu tất yếu. Đây là yếu tố then chốt trong thành công của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính sắp tới.
"Đây là việc không thể trì hoãn, nhưng cũng cần tránh nóng vội, chủ quan. 2 quan điểm cần tránh khi tiến hành phân cấp, phân quyền là sợ chính quyền địa phương không đủ sức thực hiện và thực hiện tràn lan, đại trà mà không định liệu khả năng, điều kiện thực hiện", PGS.TS Huỳnh Văn Thới nêu rõ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền không làm giảm sút vai trò của Trung ương mà còn giúp Trung ương đủ mạnh để xây dựng chính sách, pháp luật, giải quyết vấn đề ở tầm chiến lược. Chính quyền địa phương cũng phát huy được tính tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bai-hoc-bo-cap-chinh-quyen-trung-gian-tu-cac-nuoc-phat-trien-20250328202802283.htm
Bình luận (0)