Trong chuyến thăm và làm việc tại VnExpress ngày 9/7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có bài phát biểu về VnExpress và báo chí nói chung.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm việc tại báo VnExpress ngày 9/7. Ảnh: Ngọc Thành
VnExpress có nhiều điểm mạnh
1. Kỹ thuật số mạnh: Tòa soạn số, công nghệ phân phối số, tương tác số tốt.
2. Phong cách trung tính, dễ tiếp cận: Gần gũi với tầng lớp trí thức, trung lưu.
3. Có đội ngũ nội dung chuyên nghiệp: Có thể định hướng dư luận nếu có chiến lược bài bản.
Nhưng báo cũng có một số vấn đề
1. VnExpress chưa thể hiện rõ bản sắc báo chí cách mạng: Chưa có nhiều thông tin định hướng chính trị. Nội dung xã hội, đời sống chiếm tỷ trọng lớn.
2. Thiên về tin tức thời sự, thị trường, thuật toán..., đôi khi chưa rõ vai trò định hướng.
3. Chưa phát huy đúng tầm của tờ báo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: Chưa đầu tàu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (tin bài lĩnh vực này mới chiếm 5-6%).
VnExpress mới là tờ báo nhiều người đọc, chưa phải là tờ báo dẫn dắt, kiến tạo xã hội về giá trị và tư tưởng.
Tiếp theo là gì?
Vậy, sau người đọc đông, đưa tin trung tính, theo thuật toán, tránh những vấn đề nhạy cảm, tiếp theo sẽ là gì? Mục đích cuối cùng có phải như vậy không? Mục đích cuối cùng phải là góp phần phát triển Việt Nam, là góp phần giải các bài toán lớn của Việt Nam, là bám sát, là hướng vào chiến lược phát triển đất nước. Đó là Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng 2 con số, mô hình 2 cấp, là tăng trưởng chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, là phát triển dựa trên KHCN/ĐMST/CĐS/SHTT/TĐC (Khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi số/Sở hữu trí tuệ/Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng).
Có nên chuyển vai từ người tường thuật sang người dẫn dắt không? Tức là kiến tạo dư luận, đề xuất chính sách, kết nối chuyên gia, người dân và Nhà nước. Đưa tin trung lập không có gì sai, nhưng cần tập trung nhiều hơn, đi sâu hơn vào các vấn đề lớn của đất nước.
Có nên dẫn dắt công chúng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi AI, chuyển đổi năng lượng, về phát triển dựa trên KHCN/ĐMST/CĐS không? Chúng ta đang ở giai đoạn của những chuyển dịch vĩ đại, trăm năm mới có một lần, vậy VnExpress sẽ làm gì để dẫn dắt những chuyển đổi này? Báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ dẫn dắt và tiên phong.
Có nên tạo một cộng đồng tri thức rộng toàn dân, không chỉ độc giả mà là người tham gia? ĐMST và CĐS là toàn dân. Và chỉ khi nào là toàn dân thì công cuộc này mới thành công. Chỉ có báo chí cách mạng mới làm cho nó thành toàn dân được. Tổ chức đối thoại trực tuyến về các vấn đề chuyển đổi, cho người dân gửi bài viết, video, tranh luận nhưng kiểm duyệt chất lượng. Mở bình chọn sáng kiến cộng đồng, startup giải các bài toán xã hội (VnExpress đã làm một phần nhưng cần làm ở tầm cao hơn, gắn với các đổi mới của ngành, của đất nước).
VnExpress cần trở thành tờ báo điện tử kiểu mới, có ảnh hưởng thật sự đến nhận thức về KHCN/ĐMST/CĐS/SHTT/TĐC, về đổi mới, chuyển đổi, chính sách, tư duy phát triển. Là tờ báo kiến tạo công chúng lý trí (báo chí không chỉ cung cấp thông tin, mà còn bồi dưỡng một cộng đồng người dân biết suy nghĩ độc lập, có tư duy phản biện, ra quyết định dựa trên lý trí, bằng chứng và dữ liệu, thay vì cảm tính, định kiến hay tin giả), và đồng hành cùng quốc gia, dân tộc.
Vậy, cần có chỉnh hướng, nhưng không chỉnh tay
1. Bộ cần có chỉ đạo chiến lược về chính trị, tư tưởng rõ hơn, đặt mục tiêu cho tờ báo trong giai đoạn mới, bám sát vào các chiến lược phát triển quốc gia, các bài toán lớn của đất nước.
2. Giao nhiệm vụ cụ thể cho báo về truyền thông chính sách, về KHCN, ĐMST, CĐS, SHTT, TĐC, về văn hóa số.
3. Tạo tuyến nội dung đinh mang bản sắc báo chí cách mạng hiện đại: Định hướng giá trị, truyền cảm hứng, kiến tạo xã hội.
4. Bồi dưỡng đội ngũ phóng viên theo hướng chính trị mềm, kỹ thuật cứng.
Một số định hướng mới cho báo
Báo VnExpress là tờ báo cách mạng, là báo chí cách mạng. Là báo Đảng, đặt dưới sự quản lý toàn diện của Đảng. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh là việc đầu tiên cần làm. VnExpress phải là tổ chức đứng trong Bộ Khoa học và Công nghệ. VnExpress không phải tổ chức khép kín, không phải ốc đảo (VnExpress và ấn phẩm Tia sáng bây giờ phải về một nhà, một nơi, nhập lại thành một tổ chức, một bộ máy, một nồi cơm chung, phần nào nặng về tạp chí thì chuyển về Tạp chí KHCN), mà là tổ chức mở, các cơ quan chức năng của Bộ phải quản lý, giám sát các hoạt động của báo. Lãnh đạo báo cũng phải xác định như vậy. Điều đó chỉ làm cho báo phát triển bền vững hơn, chứ không hạn chế sự phát triển của báo. Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng bộ và các cơ quan của Đảng ủy phải coi VnExpress là một đầu mối như bất kỳ đơn vị nào khác để quản lý, giám sát làm đúng các quy định của Đảng, của Nhà nước, và tạo điều kiện phát triển cho báo. Vụ Kế hoạch tài chính phải lập kế hoạch hàng năm đặt hàng VnExpress tương đương 20-30% tổng thu của báo, có đầu tư công cho báo để báo trở thành số một về công nghệ, có đội ngũ phát triển công nghệ trong nội bộ báo, nhất là về AI, big data. Văn phòng Bộ bố trí khoảng 3.000 m2 cho báo để anh em không phải đi thuê ngoài hàng chục tỷ/năm. Vụ Tổ chức cán bộ phải hỗ trợ công tác cán bộ, công tác tổ chức, công tác Đảng, vì VnExpress là một tổ chức lớn. Tăng tỷ lệ đảng viên từ 10-20% và cao hơn. Các cơ quan của Bộ phải chú ý, quản lý bao giờ cũng phải đi với phát triển, quản lý để phát triển và phát triển để quản lý tốt hơn.
Báo VnExpress vượt lên trên thông tin, là tri thức. Từ thông tin tới tri thức và trên nữa. Ngoài việc làm tin khác đi, khác mạng xã hội, thì phải vượt lên trên tin tức. Nhiều công cụ số mới hỗ trợ rất tốt cho phóng viên làm việc này.
Đặt truyền thông chính sách về KHCN/ĐMST/CĐS/SHTT/TĐC và ứng dụng năng lượng nguyên tử vào trung tâm nội dung của VnExpress. Bên cạnh đó còn các lĩnh vực như bưu chính, viễn thông, công nghiệp công nghệ số. Bởi vì VnExpress là cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa học và Công nghệ, trọng tâm số một phải là các lĩnh vực của Bộ. Làm tốt và làm hay các nội dung này thì được cả 2 trong 1, là độc giả nhiều và góp phần phát triển ngành, phát triển đất nước. Lúc nào cũng phải có một tin về KHCN trong nhóm top 5 tin đầu, sau khi xuất hiện ở đó rồi mới vào chuyên mục KHCN.
Data-driven Journalism: Sử dụng số liệu để kể các câu chuyện hay. Kể câu chuyện không có dữ liệu vẫn có thể lay động lòng người. Nhưng câu chuyện hay mà có dữ liệu sẽ kích thích tư duy kỹ trị, tư duy phân tích, cái mà chúng ta đang thiếu.
Một số chia sẻ về nghề báo
Nhân 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ về nghề báo.
Nghề báo là một nghề đặc biệt, đòi hỏi những con người đặc biệt. Đó là nghề cầm trên tay một lưỡi dao sắc bén - có thể mở đường cho tri thức, sự thật và tiến bộ, nhưng cũng có thể gây tổn thương nếu thiếu thận trọng. Sức mạnh của báo chí là rất lớn, nhưng đi cùng với đó là trách nhiệm rất cao, bởi nếu được sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, còn nếu lạm dụng hoặc thiếu chuẩn mực, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng.
Báo chí cách mạng ở chỗ tiên phong. Tiên phong là đi đầu. Nghề báo là nghề dấn thân là vì vậy.
Báo chí bây giờ không chỉ còn là thông tin mà còn là tri thức. Là phân tích, là tìm ra những viên ngọc trong cả núi thông tin. Trên tri thức là understanding (hiểu biết). Trên understanding là insight (thấu hiểu). Trên insight là ngộ. Thế có nghĩa là ngoài thông tin còn nhiều cấp độ khác nữa để báo chí khai thác, nhất là khi thông tin bây giờ bị các mạng xã hội lấn sân.
Báo chí không chỉ dùng cây bút, tờ giấy mà còn là công nghệ. Thời đại thay đổi thì công cụ thay đổi. Nghề báo luôn phải dùng các công cụ mới. Công cụ không thay đổi nghề mà chỉ giúp làm nghề tốt hơn, ở các cấp độ cao hơn. Nhưng không kịp thời dùng công cụ mới thì nghề có thể bị lấy mất.
Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Báo chí mà dựa trên thị trường hoàn toàn thì có thể bị thị trường hóa, bị thị trường dẫn dắt. Báo chí cách mạng phát triển bền vững thì nhà nước phải nuôi, tức là đặt hàng 20-30%.
Muốn viết hay thì phải lặn lội xuống cuộc sống. Cây đời thì luôn xanh tươi. Báo chí muốn xanh tươi thì phải bám vào đời là vì thế. Nhà báo bây giờ hơi thích lặn lội trên mạng, nhưng nếu muốn đời thì phải ra ngoài kia. Mạng thì thông tin đã thứ cấp rồi.
Muốn viết ngắn thì biết nhiều mới nói một. Không thể viết ngắn được là vì biết 1 mà cứ muốn nói 2-3. Muốn viết ngắn thì cũng cần nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Nhà toán học Blaise Pascal thế kỷ 17, trong thư gửi một người bạn, đã xin lỗi như sau: "Tôi không có đủ thời gian để viết một bức thư ngắn hơn, nên đã viết dài."
Báo chí phải kể được câu chuyện hay. Câu chuyện lay động lòng người thì mới đi xa, mới thấm vào nhận thức của người đọc. Mà thay đổi nhận thức mới là mục tiêu của truyền thông. Một câu chuyện hay có thể thay đổi đời người. Thông tin thì chóng bị quên, bị thông tin khác đè lên.
Tin tức nhanh thì mạng xã hội tốt hơn báo chí. Nếu là tin xác thực thì báo chí lại tốt hơn. Nếu là phân tích, tạo ra tri thức thì báo chí lại hơn nữa. Vậy là mạng xã hội lấy đi một số thứ để báo chí quay về với nghề chính của mình, quay về với các giá trị cốt lõi của báo chí là xác thực, minh bạch, độc lập, cân bằng, nhân đạo và có trách nhiệm với cộng đồng.
Con người thì có phần con là bản năng gốc và có phần hướng thiện, hướng người. Báo chí là tập trung vào phần thứ hai của con người. Nó ít vật chất, nhiều tinh thần. Bởi vậy nghề báo theo đúng nghĩa thì khó mà giàu có về vật chất. Làm báo thì nên chấp nhận cái này. Nếu không chấp nhận thì nên chọn nghề khác.
Người hiện đại thì cần thành thạo, như là biết đọc - biết viết, 3 ngôn ngữ: tiếng Việt để giữ gìn bản sắc, tiếng Anh để kết nối với thế giới, và ngôn ngữ số để làm việc, sáng tạo và sống chủ động trong kỷ nguyên số. Nhà báo cũng vậy và càng phải như vậy.
Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển phải dựa vào sức mạnh tinh thần là chính - tức là năng lực tư duy, khát vọng vươn lên và tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi người dân. Sức mạnh tinh thần ấy không tự nhiên có, mà được hình thành từ những nhận thức mới về thế giới, về chính mình và về con đường phía trước. Báo chí, với vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, có sứ mệnh đặc biệt: không chỉ phản ánh thực tại, mà còn góp phần định hình nó, bằng cách dẫn dắt dư luận, làm sáng tỏ vấn đề, khơi mở tư duy, thay đổi nhận thức xã hội. Khi nhận thức thay đổi, tư duy đổi mới, thì nguồn lực mới sẽ được khai phóng, từ trí tuệ, sáng tạo, đến niềm tin và hành động. Đó chính là động lực để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, chủ động và tự tin hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Nguồn: https://mst.gov.vn/bao-chi-cach-mang-phai-linh-xuong-tien-phong-197250718163552156.htm
Bình luận (0)