Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán Nôm ở Đà Lạt gắn với quảng bá, phát triển du lịch

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử - văn hoá với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác, phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ, tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng20/02/2025


Khu trưng bày Mộc bản Triều Nguyễn

Phát triển đô thị cần xác các định tiêu chí hướng tới phục vụ cho người dân: như thành phố đáng sống, thành phố thân thiện, thành phố phát triển bền vững, thành phố thông minh, thành phố nhân văn, thành phố xanh, thành phố được yêu thích... Tuy khái niệm và tính chất khác nhau, song khi nói đến phát triển đô thị, người ta đều luôn đề cập đến một sự phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục đích hướng tới là phục vụ đời sống người dân ở đô thị, để họ có một cuộc sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn, nhân văn hơn, góp phần xây dựng hình ảnh chung của đất nước. Những tiêu chí của các nhà quản lý đô thị trên là cơ sở tham khảo để đưa ra định hướng phát triển đô thị đảm bảo sự hài hòa, phù hợp giữa tiêu chí văn minh, hiện đại với đặc điểm văn hóa của cư dân trên địa bàn cũng như phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đà Lạt - nơi có đầy đủ những thế mạnh về vị trí địa lý, dân số, lịch sử, kinh tế, văn hóa, tầm quan trọng của đô thị Đà Lạt đã được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Hiện nay, TP Đà Lạt có những bước phát triển quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, do đó, để có thể xây dựng một thành phố phát triển tầm nhìn đến năm 2050 cần dựa trên những định hướng sau:

Xây dựng thành phố mang tính bền vững tầm nhìn 2050. Gồm nhiều lĩnh vực, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống an sinh xã hội tiên tiến mang tầm khu vực.

Gắn liền với tình hình phát triển đô thị trong quá khứ và tương lai. Kế thừa giá trị cốt lõi truyền thống, áp dụng những tinh hoa của các quốc gia phát triển về việc xây dựng, quản lý đô thị.

Gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là hướng đến một thành phố đáng sống, văn minh, nhân văn, với cảnh quan thiên nhiên, gắn với phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó là việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị những di sản như: Kiến trúc, di tích, di sản văn hóa, di sản tư liệu ký ức thế giới, nhằm hướng người dân đến một cuộc sống mang đậm phong cách của con người Đà Lạt.

Phát triển đô thị Đà Lạt gắn liền với bảo tồn các giá thị về kiến trúc, thiên nhiên cảnh quan, di tích lịch sử, phát huy giá trị di sản đến với thế giới để quảng bá một hình ảnh Đà Lạt vừa đẹp về không gian thiên nhiên, kiến trúc, vừa thân thiện, nhân văn nhưng cũng không thiếu phần hàn lâm của khoa học như bản kế hoạch đã chỉ rõ: “Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế”.

Có nhiều định nghĩa, nhiều cách hiểu về phát triển đô thị hướng tới sự bền vững. Trong đó bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến mọi mặt của cuộc sống. Theo báo cáo của Ủy ban Brundtland, tại Hội nghị URBAN21 (tổ chức tại Berlin tháng 7/2000, người ta đã đưa ra định nghĩa về phát triển đô thị bền vững: "Cải thiện chất lượng cuộc sống trong một thành phố, bao gồm cả các thành phần sinh thái, văn hóa, chính trị, thể chế, xã hội và kinh tế nhưng không để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai, một gánh nặng bị gây ra bởi sự sụt giảm nguồn vốn tự nhiên và nợ địa phương quá lớn. Mục tiêu của chúng ta là nguyên tắc dòng chảy, dựa trên cân bằng về vật liệu và năng lượng cũng như đầu vào/ra về tài chính, phải đóng vai trò then chốt trong tất cả các quyết định tương lai về phát triển các khu vực đô thị" (Tổng quan kinh nghiệm quốc tế, trong nước và đánh giá thực tế tại Hà Nội, tr5).

Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng, mở rộng thành phố thì việc bảo vệ thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử là rất cần thiết đối với vấn đề sinh thái và định hướng du lịch của tỉnh Lâm Đồng, vì vậy việc bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi là rất cần thiết trong quá trình đô thị hoá hiện nay cũng như trong tương lai.

Ở bài viết này, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, bảo tồn, khai thác những di sản văn hóa của Triều Nguyễn để lại như: khai thác giá trị tư liệu kho Mộc bản, những di tích tâm linh, những hiện vật có giá trị như bức bình phong cổ độc đáo tại Dinh II, hệ thống di văn Hán Nôm tại các đình chùa miếu mạo… để thông qua việc nghiên cứu quá khứ, phổ biến tri thức, thu hút các nhà khoa học trong nước và thế giới đến nghiên cứu là con đường quảng bá hình ảnh về Đà Lạt một cách có hiệu quả.

TP Đà Lạt có một kho lưu trữ tài liệu, trong đó có Mộc bản Triều Nguyễn lớn nhất cả nước với hơn 30.000 tấm, đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu kí ức thế giới. Kho lưu trữ đã và đang làm cầu nối quan trọng đối với độc giả, các nhà khoa học, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu.

Văn khắc Hán Nôm dân gian gồm câu đối văn bia ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu. Rất nhiều những di tích kiến trúc văn hóa tại Đà Lạt mang những nét đặc sắc của văn hóa cộng đồng như đình, chùa, miếu, lăng… là minh chứng cho sự phát triển về văn hóa tín ngưỡng của người Đà Lạt, những cư dân gốc Việt trong hành trình mở cõi về phương Nam, họ đã đến và lập nghiệp tại đây đã hơn một thế kỷ. Trong quá trình di dân ấy, họ đã không quên mang theo những nét sinh hoạt văn hóa của quê hương vào chốn cao nguyên đắc địa này.

Những lớp cư dân đến Lâm Đồng và Đà Lạt sinh sống đa phần là những cư dân gốc miền Trung như: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... một bộ phận ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ... Vì vậy, những dấu ấn của nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhóm cư dân này vẫn là tín ngưỡng tâm linh. Vì vậy, họ đã quyên góp và xây dựng những công trình kiến trúc sinh hoạt cộng đồng để có chỗ bà con lui tới trong những ngày lễ hội cầu an. Ở đây, chúng tôi nhận thấy rằng, những nét giá trị văn hóa tâm linh vẫn không bao giờ mất đi cho dù cuộc sống đô thị hóa ngày càng nhộn nhịp hơn, vội vã hơn.

Những nếp đình, ngôi chùa vẫn là nơi đi về của bao người, họ đến để sinh hoạt cộng đồng, để chiêm bái và đến để chia sẻ và đến để thỏa nỗi ưu tư. Do đó, những nơi sinh hoạt văn hóa này thật không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Ông cha ta đã từng đúc kết, lấy dân làm gốc, do đó, phát triển đô thị Đà Lạt mạnh về kinh tế, hiện đại về cơ sở hạ tầng nhưng cũng không thể bỏ qua việc bảo tồn phát huy giá trị nhân văn.

Một vài ý kiến đề xuất để khai thác bảo tồn di văn Hán - Nôm tại Đà Lạt:

- Vấn đề đầu tiên là cần phải hệ thống hóa toàn bộ mảng di văn Hán - Nôm trên các di tích tại TP Đà Lạt, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh Lâm Đồng.

- Vấn đề phân loại, biên dịch, nghiên cứu giá trị nội dung di văn Hán - Nôm trên từng di tích cụ thể.

- Công bố giới thiệu giá trị của di văn Hán - Nôm trên các di tích đến công chúng, bằng cách phổ biến nội dung giá trị di văn tại di tích ấy. Đặc biệt là khai thác, nghiên cứu di sản tư liệu thế giới Mộc bản Triều Nguyễn với các loại hình khác như: Thơ văn di tích cung đình Huế, Châu bản Triều Nguyễn nhằm phát huy rộng hơn nữa ra với bạn bè quốc tế.

- Giới thiệu những nội dung di văn trên từng di tích đang được khai thác du lịch cho du khách tham quan như: chùa Thiên Vương cổ sát; lăng Nguyễn Hữu Hào; Dinh II; các đình chùa trên địa bàn Đà Lạt, đình An Hòa, đình Ấp Ánh Sáng, đình Hà Đông, đình Cô Giang, đình Thái Phiên...

- Cần trang bị cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu một cơ số Hán tự để có thể đọc được những chữ đơn giản cường độ xuất hiện nhiều trên các di tích.

- Với những kết quả đã làm được như trên, có biện pháp bảo tồn, trùng tu tôn tạo cho di tích hoặc bảo vệ để di tích không bị vẽ bậy, dán giấy đè lên chữ, xâm hại di tích như thời gian vừa qua nhiều di tích đã bị như: cổng lăng Nguyễn Hữu Hảo, cổng Tam Quan chùa.

- Cuối cùng, cần nghiên cứu rõ những tài liệu đã được Triều Nguyễn ghi chép về những danh lam thắng cảnh, hồ, thác, suối, từ đó để các nhà quản lý, hoạch định quy hoạch có thêm thông tin bổ ích hướng tới thực hiện một cách có hiệu quả trong việc xây dựng phát triển TP Đà Lạt một cách bền vững.


Nguồn: https://baolamdong.vn/ho-so-tu-lieu/202502/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-han-nom-o-da-lat-gan-voi-quang-ba-phat-trien-du-lich-8164a25/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available