Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Từ khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định tầm quan trọng của tín ngưỡng trong đời sống tâm linh người Việt.

VietnamPlusVietnamPlus05/04/2025


Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc mà còn thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản trong đời sống văn hóa của người dân.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, miền sông nước, miền rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần đã có từ xa xưa; trong đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là nhân vật trung tâm của tín ngưỡng.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi lễ, sản vật cúng tiến, trang phục, đạo cụ, múa thiêng, âm nhạc...; trong đó, hát văn và lễ hội là những thành tố chính.

Ông Nguyễn Văn Thư, Ban Chấp hành Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định, cho biết Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ là đời sống tâm linh mà còn là bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, lễ hội. Tín ngưỡng đang góp phần quan trọng trong việc tạo ra sợi dây liên kết các cộng đồng thực hành di sản.

Từ góc độ người nghiên cứu văn hóa lâu năm tại Nam Định, ông Nguyễn Văn Thư cho rằng Tín ngưỡng thờ nữ thần, Thánh Mẫu đã đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội.

ttxvn-tho-mau-tam-phu-3.jpg

Thực hành, biểu diễn hầu đồng tại đền Công Đồng thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định). (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Bên cạnh đó, giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ chầu văn. Đây là sự tổng hợp nhiều hoạt động tín ngưỡng do cộng đồng sáng tạo và trực tiếp thực hành trong không gian thiêng nhằm ca ngợi công lao của các nhân vật lịch sử có công với nước, với dân; đồng thời là những nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của đạo Mẫu.

Nghi lễ chầu văn là sự kết hợp chặt chẽ giữa âm nhạc và tín ngưỡng dân gian, quy định chặt chẽ từ làn điệu, lời ca, động tác múa, trang phục, đạo cụ. Từ nghi lễ này đã sản sinh ra các giá (hầu) đồng và nghệ thuật hát văn.

Mỗi giá đồng có một bài hát kể về lai lịch, tính cách, công trạng của các vị Thánh hay các anh hùng dân tộc có công với đất nước như: bài hát "Đức Thánh Trần," "Mẫu Thượng Ngàn," ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Mười... Thông qua các ca từ của bài hát giúp nhiều người hiểu thêm về công lao của những vị anh hùng dân tộc.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho rằng Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Từ khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định tầm quan trọng của tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt.

Phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu

Nam Định là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Toàn tỉnh hiện có hơn 350 di tích lịch sử-văn hóa thờ và phối thờ Mẫu; trong đó, riêng xã Kim Thái (huyện Vụ Bản) - nơi tương truyền Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh - có hơn 20 di tích.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu, hằng năm, Lễ hội phủ Dầy thường xuyên tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát với hàng trăm cung văn, nhạc công tham gia.

ttxvn-tho-mau-tam-phu-2.jpg

Sửa soạn trang phục mới cho các thanh đồng trong mỗi giá hầu đồng. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)


Vào những ngày diễn ra liên hoan, các thí sinh mặc áo dài, khăn xếp tham gia tranh tài với những lời ca, tiếng hát ca ngợi công lao to lớn của các bậc tiền nhân hòa chung với nền nhạc độc đáo được trình diễn trong không gian thiêng đã thu hút đông đảo người dân, du khách thưởng thức, chiêm ngưỡng.

Nghệ nhân Trần Thị Huệ, Thủ nhang phủ Tiên Hương, cho biết từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn đã được nhiều thế hệ người dân ở vùng đất phủ Dầy gìn giữ, phát triển.

Liên hoan hát chầu văn được tổ chức tại lễ hội là dịp để các nghệ nhân ôn luyện, trao đổi những lời ca, tiếng hát để phục vụ cộng đồng. Đây cũng dịp để quảng bá, lan tỏa những nét đẹp của nghệ thuật chầu văn đến với du khách trong và ngoài nước.

Tại Nam Định, bộ môn nghệ thuật hát chầu văn đang phát triển mạnh với hơn 500 người tham gia thực hành, gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công.

Nhiều câu lạc bộ hát văn được duy trì hiệu quả như: Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, thành phố Nam Định; Câu lạc bộ hát văn làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường; Câu lạc bộ thơ ca, nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu... Mỗi câu lạc bộ có từ 20-50 thành viên gồm các nghệ nhân, nghệ sỹ hát văn. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

ttxvn-tho-mau-tam-phu-4.jpg

Nghi lễ hầu đồng tại Phủ Dầy thu hút đông đảo những người theo đạo mẫu, nhân dân, du khách. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Để gìn giữ vẻ đẹp các nghi lễ gắn với nguyên gốc Tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã và đang sưu tầm, thu thập nhiều nguồn tài liệu, hiện vật.


Đến nay, bảo tàng đã có trên 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ liên quan đến thực hành tín ngưỡng. Nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh, tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể như: hát ca trù, hát văn, diễn xướng giá đồng để quảng bá, lan tỏa nét đẹp của di sản.

Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản, cho biết ngoài việc quảng bá, tuyên truyền về những nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu, huyện sẽ chú trọng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cho các điểm du lịch; đồng thời xây dựng các tour, tuyến du lịch tâm linh để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc trưng của quê hương nhằm tạo ấn tượng, thu hút du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)


Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-post1024938.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa
Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm