Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn vật nuôi bản địa: Cần nhiều giải pháp

(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2,25 triệu vật nuôi có nguồn gốc bản địa, gồm các loại gà ri, vịt Cổ Lũng, lợn mán, vịt bầu cổ xanh, lợn lòi, dê... Việc phát triển con nuôi bản địa bước đầu đã tạo ra nguồn sản phẩm đặc trưng, đặc sản cho các địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng vật nuôi bản địa tại nhiều địa phương không còn nhiều.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa18/04/2025

Bảo tồn vật nuôi bản địa: Cần nhiều giải pháp

Chăn nuôi lợn rừng tại thị trấn Như Thanh, huyện Như Thanh.

Là giống vật nuôi lâu đời tại các huyện miền núi Thanh Hóa, bò vàng là một trong những giống bò quý của Việt Nam đã được Nhà nước đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, những năm qua số lượng bò vàng trên địa bàn tỉnh giảm do người dân nuôi nhốt khiến con đực và con cái xa dòng, ít có cơ hội gặp nhau, dẫn đến sự thoái hóa giống. Bên cạnh đó, áp lực của cơ chế thị trường chạy theo năng suất nên các chương trình, dự án cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò đã làm tăng tỷ lệ bò lai Zebu, giống bò lai có tầm vóc lớn, năng suất cao hơn, bò vàng giống đực tầm vóc nhỏ có nguy cơ không còn nguồn gen thuần chủng. Mặt khác, người dân chăm sóc, nuôi dưỡng chưa đúng yêu cầu kỹ thuật khiến chất lượng thịt chưa đảm bảo...

Trước thực trạng này, để duy trì nguồn gen bò vàng, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ vật nuôi (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng vùng nuôi bảo tồn giống bò vàng. Theo đó, trung tâm đã điều tra, khảo sát, xây dựng vùng nuôi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ nhằm bảo tồn nguồn gen bò vàng thuần chủng tại chỗ và tuyển chọn bò đực, bò cái có chất lượng tốt để xây dựng mô hình tại các xã thuộc các huyện Thọ Xuân, Cẩm Thủy và thị xã Nghi Sơn. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò vàng, nâng cấp chuồng trại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; tập huấn tiêm vắc xin phòng bệnh cho cán bộ thú y và những hộ dân tham gia. Đồng thời, thực hiện bảo tồn tại chỗ, tuyển chọn bò vàng bảo đảm tiêu chuẩn giống đưa về nuôi dưỡng; duy trì đàn nuôi và thực hiện tuyển chọn thế hệ 2 bảo đảm nguồn gen. Bên cạnh bò vàng, trung tâm còn thực hiện nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen vịt Cổ Lũng, ngan sen...

Tại các huyện Quan Sơn, Bá Thước, Quan Hóa... các giống vịt bản địa hiện đang được nhân giống, không những mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, mà còn góp phần bảo tồn giống vật nuôi bản địa. Đơn cử như giống vịt Cổ Lũng là giống thủy cầm đặc sản của huyện Bá Thước. Sau khi thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt” mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học được nhân rộng ra toàn huyện, giúp người dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; thu hút được doanh nghiệp thực hiện liên kết cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần duy trì đàn vịt thương phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn được nhân giống ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành...

Còn tại huyện Mường Lát, người dân xã Quang Chiểu cũng đang chú trọng bảo tồn giống vịt bầu cổ rụt suối Sim. Ở các xã Luận Khê, Yên Nhân, Xuân Thắng (Thường Xuân) phát triển giống vịt bầu cổ xanh. Huyện Như Xuân bảo tồn giống vịt bầu Thanh Quân...

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt, bên cạnh các giống vật nuôi đang được nhân giống thì có một số loại còn gặp khó khăn trong công tác bảo tồn. Do hiện nay, hầu hết các địa phương chưa có cơ sở nhân giống có kinh nghiệm, kỹ thuật, cung cấp con giống bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên môn tại huyện còn hạn chế trong công tác tuyển chọn, thu gom, nhân thuần giống. Nhất là việc xây dựng thương hiệu cho vật nuôi bản địa chưa được chú trọng nên còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, để việc gìn giữ và phát triển giống vật nuôi bản địa hiệu quả, bền vững, tỉnh cần xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể về nguồn gen, mức độ di truyền, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc gìn giữ giống vật nuôi bản địa. Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các giải pháp thông qua các dự án, đề án khôi phục và phát triển, từ đó có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; tập trung tuyển chọn con nuôi giống gốc để tiến hành quản lý, nhân giống, cung ứng cho người chăn nuôi. Các hộ dân được tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, trồng cỏ chăn nuôi, hướng dẫn về kỹ thuật xây dựng chuồng trại... phù hợp với điều kiện cho vật nuôi phát triển. Các địa phương cần hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-ton-vat-nuoi-ban-dia-can-nhieu-giai-phap-246048.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM
Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm