Triền đê xã Ngư Lộc lúc thuyền về.
Đây không chỉ là hướng mở cho bài toán “đất chật - người đông” kéo dài nhiều năm tại xã Ngư Lộc - xã nhỏ nhất cả nước, mà còn là cơ hội để khai thác tiềm năng biển, nâng cao chất lượng sống cho người dân và kiến tạo một không gian đô thị mới, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Xã Ngư Lộc, với diện tích chỉ 0,46km2, được biết đến như một trong những vùng đất đặc biệt của Việt Nam khi có mật độ dân số cao nhất cả nước, khoảng 40.000 người/km2, gấp gần 16 lần Hà Nội và 9 lần TP HCM. Với dân số khoảng 19.000 người sống trên một vùng đất chưa đến nửa cây số vuông, Ngư Lộc đang đối mặt với hàng loạt thách thức: thiếu quỹ đất ở, giá đất cao bất thường, không còn đất làm nghĩa trang, nhà cửa san sát đến mức người dân phải lên mái nhà để đi lại, nguy cơ cháy nổ, dịch bệnh và áp lực hạ tầng xã hội ngày càng lớn.
Tình trạng quá tải dân số khiến người dân phải chấp nhận sống trong những điều kiện chật chội, thiếu thốn không gian sinh hoạt cộng đồng, thiếu cây xanh, thiếu khu vui chơi, thể thao, giải trí. Nhiều hộ gia đình phải rời bỏ mảnh đất quê hương để tìm nơi an cư mới, nhưng phần đông vẫn bám trụ lại với nghề đi biển truyền thống - vốn là linh hồn của vùng đất này. Tuy nhiên, khi không gian sống đã đạt ngưỡng giới hạn, việc “nén” thêm người vào vùng lõi chỉ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa phát triển và an sinh.
Trong bối cảnh đó, quyết định phê duyệt quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố là lối thoát mang tính căn cơ và dài hạn. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua, đô thị Diêm Phố sẽ bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã: Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc với tổng diện tích hơn 2.500ha và nghiên cứu thêm khoảng 250ha mặt nước biển.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2045, đô thị ven biển Diêm Phố sẽ đạt quy mô dân số khoảng 70.000 người, đạt tiêu chí đô thị loại V, phát triển đa ngành nghề, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ đạo như kinh tế biển, dịch vụ, thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giáo dục, văn hóa và du lịch cộng đồng.
Điểm nhấn của quy hoạch này là sự kết hợp chặt chẽ giữa hiện đại hóa không gian đô thị và bảo tồn hệ sinh thái ven biển cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển. Không chỉ mở rộng không gian sống, giảm tải áp lực cho Ngư Lộc, đô thị Diêm Phố còn hứa hẹn trở thành trung tâm động lực phát triển của cả khu vực ven biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa - vốn là nơi có truyền thống văn hóa biển lâu đời và nghề cá phát triển mạnh mẽ.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, về hạ tầng kỹ thuật, cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông kết nối liên xã, liên vùng, tạo hành lang phát triển mới ven biển, kết nối với Quốc lộ 10, đường ven biển quốc gia và các tuyến tỉnh lộ. Song song đó, hệ thống thoát nước, cấp điện, cấp nước sạch, thu gom và xử lý rác thải phải được đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Thứ hai, về hạ tầng xã hội, chính quyền địa phương cần quy hoạch và xây dựng mới các công trình công cộng như trung tâm hành chính, y tế, giáo dục, khu thể thao, văn hóa, chợ dân sinh... đạt chuẩn đô thị. Đặc biệt, việc đầu tư nâng cấp bệnh viện, trường học, cơ sở đào tạo nghề là yếu tố quyết định để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công chất lượng cao, nâng cao trình độ dân trí và tạo ra lực lượng lao động phục vụ cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thứ ba, về chính sách giãn dân, cần lập các khu tái định cư quy mô hợp lý tại các xã lân cận như Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc, kèm theo đó là cơ chế hỗ trợ di dời, đền bù, chuyển đổi nghề nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống mới. Chính quyền cần đảm bảo rằng, người dân di dời khỏi khu vực quá tải sẽ được hưởng lợi thực sự, không bị thiệt thòi, không bị gạt ra ngoài lề tiến trình phát triển đô thị.
Thứ tư, về phát triển kinh tế, cần tập trung phát huy lợi thế biển để phát triển nghề cá, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, công nghiệp chế biến, logistics, dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch sinh thái biển. Việc nâng cấp cảng cá, xây dựng khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ven biển, hình thành các tuyến du lịch văn hóa biển gắn với lễ hội Cầu Ngư, nghề làm lưới, đóng thuyền... sẽ tạo ra hệ sinh thái kinh tế bền vững, vừa tạo việc làm vừa bảo tồn giá trị truyền thống.
Thứ năm, về bảo tồn văn hóa và di sản biển, cần chú trọng xây dựng các không gian văn hóa cộng đồng, bảo tồn và phục dựng các lễ hội truyền thống, làng nghề gắn với biển. Đây là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc của đô thị mới, đồng thời cũng là điểm nhấn thu hút du lịch, góp phần tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Thứ sáu, về huy động nguồn lực, tỉnh Thanh Hóa cần triển khai chính sách thu hút đầu tư một cách linh hoạt và hiệu quả. Hình thức đối tác công - tư (PPP), kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn vốn ODA, trái phiếu địa phương và nguồn lực xã hội hóa sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự minh bạch, công khai trong quy hoạch và triển khai để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và cộng đồng.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng thuận của nhân dân. Chính quyền các cấp cần tổ chức các cuộc tiếp xúc, lấy ý kiến dân cư, truyền thông về lợi ích lâu dài của quy hoạch, đảm bảo người dân được tham gia, được hưởng lợi và đồng hành cùng chính quyền trong hành trình xây dựng đô thị ven biển hiện đại.
Có thể nói, quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố là cơ hội vàng để Ngư Lộc nói riêng và cả vùng ven biển Hậu Lộc nói chung chuyển mình. Nếu được thực hiện đúng định hướng, quy hoạch này sẽ không chỉ giúp Ngư Lộc thoát khỏi “cái áo quá chật” mà còn vươn lên trở thành hình mẫu phát triển đô thị biển cấp cơ sở - vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc. Đây là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa, quyết tâm đổi mới và là biểu tượng cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của tỉnh Thanh Hóa trong công cuộc phát triển bền vững.
Trung tướng, PGS,TS. Đồng Đại Lộc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bien-ngu-loc-thanh-do-thi-ven-bien-buoc-di-chien-luoc-cho-phat-trien-ben-vung-245763.htm
Bình luận (0)