Tây Ninh - Nhiều khách hành hương, Phật tử miền Nam đổ về núi Bà Đen để du xuân, chiêm bái đầu năm tạo nên khung cảnh ngoạn mục nhìn từ trên cao.
Đầu năm mới, người dân ở khắp các tỉnh thành Việt Nam luôn giữ thói quen du xuân tại các địa điểm du lịch tín ngưỡng nổi tiếng cùng gia đình và bạn bè. Các du khách tới đền, chùa với mong muốn cầu bình an, sức khoẻ.
Tại chân núi Bà Đen (Tây Ninh), nhiều du khách, trong đó khách hành hương, bà con Phật tử phía Nam chiếm đa số, đã đổ về đông đúc khắp các nẻo đường để tham gia Hội Xuân núi Bà Đen - một sự kiện văn hoá đặc sắc của Tây Ninh và cũng là lễ hội lớn bậc nhất của tỉnh Tây Ninh. Hàng năm, lễ hội này kéo dài từ ngày mùng 4 Tết đến hết ngày 16 tháng Giêng (âm lịch).
Những bức ảnh chụp khung cảnh đông đúc tại núi Bà Đen từ chiều ngày mùng 4 Tết của anh Nguyễn Minh Tú (46 tuổi, TPHCM) đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Nam nhiếp ảnh gia đã "săn" được cảnh tượng ngoạn mục, nhìn từ trên cao, khắc hoạ bầu không khí nhộn nhịp của du khách "cắm trại" ngủ qua đêm dưới chân núi.
Biển người dưới chân núi Bà Đen, Tây Ninh dịp hội Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Bùi Văn Hải
Khung cảnh từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
"Tôi cầm máy chụp chiều và tối mùng 4 Tết trong chương trình khai mạc hội xuân Di Lặc tại núi Bà Đen. Khoảng thời gian từ 5h chiều trở đi, hàng nghìn khách hành hương bắt đầu tụ họp về khuôn viên quảng trường nhà ga cáp treo Bà Đen để tìm cho mình một vị trí tốt nhất có thể xem chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa ngày khai hội. Bên cạnh đó, lễ hội năm nay có nhiều hoạt động, nhất là bắn pháo hoa tầm cao, quy tụ nhiều ca sĩ tên tuổi nên thu hút khá đông khách du lịch", anh cho hay.
Lượng du khách rất đông vào dịp đầu năm. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Nhiều khách hành hương không tìm nhà nghỉ hay khách sạn ngủ qua đêm mà họ chọn trải bạt, chiếu ngủ ngay trong khuôn viên để có thể dành thời gian ở ngoài trời tịnh tâm, thiền và cầu nguyện. Sáng ngày hôm sau, họ có thể lên viếng chùa Bà trên đỉnh núi sớm nhất để cầu may mắn cho cả năm.
Đối với anh Tú, "đây là một cảnh tượng rất bắt mắt và ấn tượng khi nhìn từ trên cao, như một bức hoạ nhiều màu sắc".
Theo quan sát của nam du khách, cảnh tượng đông đúc này thường xuất hiện dưới chân núi Bà Đen vào những ngày khai hội xuân mùng 4 Tết hoặc rằm tháng Giêng. Những ngày này, những đoàn xe kéo dài suốt từ Trảng Bàng đến chân núi đều có chung một hành trình là đến du xuân, chiêm bái cầu an.
Hàng năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, anh Tú đều du xuân, chiêm bái tại núi Bà Đen. Dịp Tết năm ngoái, anh cùng 3 người bạn đã trải nghiệm ngủ qua đêm ở ngoài trời giống như những du khách khác sau chương trình nghệ thuật.
Anh nhớ lại: "Không ít các gia đình nhiều thế hệ cùng nhau tham gia lễ hội và ngủ qua đêm ở chân núi. Buổi tối, họ thường ăn uống, đọc kinh hoặc thiền. Mọi người sẽ chia nhau đồ ăn, thức uống, có khi lại đàn hát. Du khách không được mang lều cắm trại, mà chỉ trải chiếu hoặc bao nhựa mà thôi.
4h sáng hôm sau, họ sẽ lên chùa sớm. Tôi thấy ai cũng vui vẻ, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung và không có tình trạng mất cắp vì an ninh chặt chẽ. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng đẹp của phật tử miền Nam".
Từ ngày 25 - 31.1.2025, khách tham quan đến với Khu Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh núi Bà Đen ước đạt trên 300.000 lượt, tăng trên 12% so cùng kỳ năm 2024. Doanh thu du lịch ước đạt trên 226 tỉ đồng, tăng trên 27% so cùng kỳ.
Laodong.vn
Bình luận (0)