Chiều 14/2, Quốc hội thảo luận ở tổ đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 2 mục tiêu chiến lược: Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và 100 năm thành lập nước (năm 2045) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo Thủ tướng "dù khó mấy cũng phải làm, không làm không được".
Năm 2024, Hội nghị Trung ương 10 xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 6,5-7%, khi bão Yagi gây ảnh hưởng có ý kiến đề nghị giảm các mục tiêu tăng trưởng. "Tôi trả lời là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Không vì mục tiêu đặt ra vừa phải rồi phấn đấu cho dễ dàng. Càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực", Thủ tướng chia sẻ.
Vì vậy, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, Trung ương "có thể phấn đấu tăng trưởng năm 2025 với mục tiêu cao hơn, cụ thể lên 8% trở lên". Thủ tướng nhìn nhận con số tăng trưởng này là thách thức rất lớn, tuy nhiên nếu không phấn đấu thì "tốc độ cứ bình bình" và sẽ khó đạt 2 mục tiêu chiến lược 100 năm.
Thủ tướng nhấn mạnh "các ngành phải tăng trưởng, địa phương phải tăng trưởng, doanh nghiệp phải tăng trưởng thì cả nước tăng trưởng".
Nói về thúc đẩy hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho biết năm ngoái, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kỳ họp này Chính phủ trình tiếp dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là tuyến đường sắt chiến lược kết nối với Trung Quốc, châu Âu.
"Đường sắt là loại hình dung hòa đường hàng không và đường biển. Đường biển thì chi phí rẻ nhất nhưng lại lâu nhất, còn đường hàng không nhanh nhưng lại đắt. Các nước hiện phát triển đường sắt rất mạnh. Trước đây chưa có điều kiện bây giờ có đủ điều kiện thì chúng ta làm và phải làm rất nhanh", Thủ tướng phân tích.
Khi làm dự án này phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và vốn hợp lý; trên cơ sở thống nhất chủ trương, nguyên tắc lớn, giao Chính phủ làm các quy trình theo quy định, gắn với đề xuất một loạt các cơ chế chính sách.
"Nếu cứ ngồi đấu thầu tư vấn, thiết kế, tư vấn giám sát sẽ mất thời gian. Trong khi những người nào làm tốt trên thế giới này mình đều biết cả, yêu cầu đặt ra là cần cơ chế đặc thù để làm nhanh, khi tiến độ nhanh sẽ giảm chi phí, không đội vốn. Ngoài ra phải gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra", Thủ tướng khẳng định.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng chia sẻ 2 địa phương cùng Chính phủ rất quyết tâm để làm, mong muốn Quốc hội quan tâm, ủng hộ.
Về nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "tổ chức thực hiện phải nhanh, kịp thời, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó. Khi phân công phải rất rõ, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm và rõ trách nhiệm. Cùng với đó tăng cường giám sát, kiểm tra. Đôn đốc thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc".
Thủ tướng dẫn chứng việc triển khai đường dây 500kV mạch 3 chỉ thực hiện trong 6 tháng so với trước đây làm mất 3 - 4 năm; dự án sân bay Long Thành trước đây cũng vướng mắc thì 2 năm nay làm rất tích cực... Từ đây, Thủ tướng cho rằng việc điều hành, tổ chức thực hiện "phải khoa học và rất bản lĩnh"; không chỉ Trung ương mà các bộ, ngành, địa phương cần đoàn kết, nhất trí, "đã thống nhất thì chỉ có bàn làm không bàn lùi".
Trong tổ chức bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ cải cách cơ học mà cần nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính và bỏ cơ chế xin - cho, "cắt đi một cấp là bớt đi một thủ tục hành chính".
Từ tổ chức bộ máy thì bố trí sắp xếp nhân sự phù hợp và phải hướng tới cơ sở. "Tại sao bỏ công an cấp huyện. Một huyện khoảng trên dưới 100 đồng chí công an, khi ta bỏ và tổ chức lại, một số rút lên tỉnh, còn lại đa số sẽ xuống cấp cơ sở, cấp gần dân nhất, vì việc gì cũng xảy ra ở dưới cơ sở. Chúng ta làm vì dân, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Nhân dân chủ yếu ở cơ sở, xã, phường...", Thủ tướng nêu rõ.
Việc cải cách bộ máy nhằm mục đích phục vụ phát triển, người dân hạnh phúc, ấm no, đất nước hùng cường, giàu mạnh, văn minh. Thủ tướng cho biết từ nay đến cuối năm còn nhiều việc phải làm nên cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc tránh dàn trải trong đầu tư. Trước đây mỗi nhiệm kỳ có thể trên dưới 10.000 dự án đầu tư công, nhiệm kỳ vừa rồi rút xuống còn 5.000 dự án và nhiệm kỳ tới sẽ chỉ bố trí dưới 3.000 dự án, “như vậy mới có tiền để làm dự án lớn”.
PV (tổng hợp)Nguồn: https://baohaiduong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-bo-cong-an-cap-huyen-da-so-nhan-su-ve-xa-mot-so-len-tinh-405241.html
Bình luận (0)