Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 là yêu cầu tất yếu để thực hiện các mục tiêu trăm năm của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định "khó mấy cũng phải làm, không làm không được", đồng thời đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Quyết tâm vượt khó, đưa đất nước tiến lên
Chiều 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại tình hình thế giới và trong nước, nhấn mạnh những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, từ căng thẳng thương mại toàn cầu, biến động địa chính trị, tới những khó khăn nội tại như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng hay thiên tai.
Cùng với đó, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tới 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước) mà Đại hội XIII đã đề ra. Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc thay đổi lãnh đạo ở địa phương, Trung ương trong nhiệm kỳ này cũng có tác động.
Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã vượt qua được khó khăn. Năm 2024, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã vượt và đạt, trong đó 12 chỉ tiêu vượt.
Thủ tướng thông tin, sáng nay Bộ Chính trị họp để tổng kết việc cải cách bộ máy theo Nghị quyết 18 năm 2027 của Trung ương và nhận định rằng: Việc cải cách bộ máy hiện nay được nhân dân đồng tình, ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên thực hiện rất nhanh. Trung ương nêu gương và địa phương làm theo. Phương châm hành động là làm từ trên xuống, từ dưới lên, đi từ đơn giản đến phức tạp.
Tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt các mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kể lại, hồi xảy ra cơn bão số 3 (Yagi), nhiều người khuyên ông giảm mục tiêu tăng trưởng để dễ phấn đấu. "Tôi trả lời rằng phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì cuộc sống ấm no của nhân dân, chứ không phải đặt ra mục tiêu để dễ dàng phấn đấu đạt được. Truyền thống, văn hóa của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay là càng áp lực càng nỗ lực, càng khó khăn càng đoàn kết. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn", Thủ tướng nói.
Mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, theo Thủ tướng, không chỉ là con số mà là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, quyết định quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.
"Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không đặt mục tiêu như thế thì khó hoàn thành mục tiêu trăm năm. Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Tạo không gian phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng
Nhằm đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định nhiều giải pháp đồng bộ, từ chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công đến cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ.
Trước hết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân có thêm không gian sáng tạo, khơi thông nguồn lực. Cùng với đó là có thể nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp với chính sách tài khóa, tăng thu giảm chi, nới rộng tỷ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt.
Thủ tướng cũng đề cập đến giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó".
Đối với đột phá hạ tầng, việc đầu tư hạ tầng chiến lược tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch như đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, cùng với hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc tạo động lực tăng trưởng mới. Việc phủ sóng internet vệ tinh để đưa công nghệ số tới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ giúp rút ngắn khoảng cách phát triển, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, cần tận dụng không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm để mở rộng dư địa tăng trưởng.
Song song với đó, cải cách bộ máy hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin-cho, đẩy mạnh số hóa trong quản lý nhà nước sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Lấy thí dụ về bỏ công an cấp huyện, Thủ tướng cho biết, khi bỏ công an cấp huyện thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở.
"Nói vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân thì dân ở đâu? Dân ở cơ sở, xã, phường, phải tăng cường cơ sở để lo cho dân. Việc cải cách bộ máy lần này, kể cả bộ máy Đảng là để phục vụ cho phát triển. Dân phải hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, giàu mạnh. Làm gì thì làm phải nhắm tới mục tiêu đó. Từ giờ tới cuối năm phải làm rất nhiều việc", Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, cả nước phải chung sức, đồng lòng. Các địa phương, ngành, lĩnh vực đều phải nỗ lực tối đa. “Chỉ bàn làm, không bàn lùi. Khi đã quyết tâm thì phải làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn
Bình luận (0)