Khôi phục “mạch sống” trên miền đất trung du
Cầu Phong Châu, cây cầu bắc qua sông Hồng, nối huyện Lâm Thao với huyện Tam Nông, là một trong những tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn Tây Bắc. Tháng 9-2024, bão số 3 kèm mưa lũ lớn bất thường đã khiến nhịp cầu số 5 bị sập, phá hủy hai mố và bốn trụ cầu. Tuyến giao thông trọng yếu bị cắt đứt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Không khí lao động hối hả trên công trường cầu Phong Châu mới. |
Ngay sau thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thi công khẩn cấp công trình cầu Phong Châu mới. Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được tin tưởng giao nhiệm vụ thi công công trình đặc biệt này. Từ đầu tháng 1-2025, Ban Điều hành Trường Sơn 9, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và các đơn vị được thành lập để tổ chức thực hiện. Chỉ sau hơn 4 tháng, toàn bộ công việc phá dỡ cầu cũ, trong đó có giàn thép nhịp 5 nặng hơn 500 tấn đã hoàn tất, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công cầu mới.
![]() |
Công nhân Ban Điều hành Trường Sơn 9 thực hiện đổ bê tông trên công trường. |
“Đây không chỉ là một công trình giao thông đơn thuần, mà là mệnh lệnh từ trái tim đối với người lính Trường Sơn. Mỗi mét cầu được dựng lên là một bước tái lập huyết mạch, khơi thông phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ vững chắc thế trận quốc phòng khu vực trung du, miền núi phía Bắc”, Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 9, khẳng định.
Thi công “3 ca 4 kíp”, bám sát từng mốc lũ
Một trong những “điểm găng” nhất của dự án là thi công trụ T4 và T5, hai trụ chính nằm giữa lòng sông Hồng. Theo chu kỳ khí tượng, giữa tháng 4 hằng năm sẽ xuất hiện đợt lũ tiểu mãn đầu mùa. Nếu không hoàn thành hai trụ trước thời điểm đó, toàn bộ tiến độ thi công sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hình dáng cầu Phong Châu mới do Ban Điều hành Trường Sơn 9 và các đơn vị trực thuộc ổng công ty Xây dựng Trường Sơn xây dựng đang dần hình thành trên sông Hồng. |
Trung tá Phan Ngọc Dũng, Trợ lý kỹ thuật Ban Điều hành Trường Sơn 9, nhớ lại: “Chúng tôi chỉ có hơn 3 tháng để hoàn tất toàn bộ công đoạn phá dỡ, khoan cọc nhồi, đổ bê tông móng, thân và khối K0 trên đỉnh trụ. Thời tiết khắc nghiệt, nước sông lên xuống thất thường, lại thêm địa chất phức tạp, đá lẫn cát dày hàng chục mét. Nhưng tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân đều xác định đây là trận đánh lớn, có tính then chốt, không được phép chậm chân”.
Bằng sự quyết liệt, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, toàn bộ trụ T4 hoàn thành vào ngày 14-4, trụ T5 hoàn thành ngày 18-4, vượt tiến độ gần một tháng. Khối K0, bộ phận then chốt để đúc dầm, cũng sẽ hoàn tất vào ngày 19-5, sớm hơn kế hoạch đến 50 ngày. Đây là tiền đề quan trọng để toàn dự án “về đích” sớm gần hai tháng so với chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Trên công trường cầu Phong Châu mới hiện có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, người lao động, trong đó nòng cốt là hơn 200 người thuộc Ban Điều hành Trường Sơn 9. Dưới cái nắng tháng 5 gay gắt, họ vẫn chia làm 3 ca, 4 kíp làm việc liên tục 24/24h, không kể ngày nghỉ, ngày lễ.
Vẻ đẹp lao động trên công trường xây dựng cầu Phong Châu. |
Thượng tá Nhâm Mạnh Đôn, Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 9, chia sẻ: “Chúng tôi quán triệt rõ tư tưởng: Đây không phải là công trình dân dụng thông thường mà là công trình khẩn cấp phục hồi quốc kế dân sinh. Vì thế, từng vị trí công việc đều được chia theo sơ đồ tác chiến, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm soát chặt chẽ tiến độ và chất lượng từng giờ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trên từng cương vị đảm nhiệm”.
Lãnh đạo Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Ban Công đoàn Quốc phòng động viên người lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2025. |
Những ngày này, không khí thi công cầu Phong Châu mới trên dòng sông Hồng luôn “nóng” dù nửa đêm hay sáng sớm, tất cả cùng chạy đua với thời gian, với ý chí và quyết tâm cao nhất. Thiếu tá QNCN Hoàng Ngọc Thông, thợ hàn kỳ cựu của Tổ 1, Xí nghiệp 991, Lữ đoàn 99, vừa lau giọt mồ hôi lấm lem khói hàn, vừa bộc bạch: “Đoạn cầu giữa sông khá nguy hiểm, nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Không ai nề hà việc khó, việc nặng. Làm xong ca, mọi người tranh thủ chợp mắt dưới lán trại rồi lại tiếp tục thi công”.
Những bữa cơm trưa ăn vội, những giấc ngủ ngắn trên công trường, tiếng loa gọi tổ kíp mới, tất cả tạo nên một nhịp sống gấp gáp mà kiên cường, như chính tinh thần của người lính Trường Sơn thời chiến năm xưa.
Nơi ý chí người lính vắt qua dòng sông
Mỗi ngày, khi nắng vừa lên trên bờ sông Hồng, ông Nguyễn Văn Thành, trú tại khu 4, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ lại đạp xe ra bờ kè, hướng mắt về phía công trường. “Tôi đi qua cầu Phong Châu hàng chục năm, ngày cầu bị lũ cuốn mà như đứt ruột. Nay thấy anh em bộ đội Trường Sơn thi công ngày đêm, tôi mừng lắm. Dân mình mong cầu xong từng ngày, không chỉ để đi lại mà còn để yên tâm làm ăn, buôn bán, phát triển kinh tế”, ông Thành xúc động bày tỏ.
Cầu Phong Châu mới dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10, ngay trước Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030. |
Quả thật, nếu trong chiến tranh, họ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, dũng cảm mở đường giữa bom rơi đạn nổ, vượt đèo cao, suối sâu, tải đạn, đưa quân vào chiến trường miền Nam, thì hôm nay, trong thời bình, những chiến sĩ Trường Sơn lại mang tinh thần ấy để dựng xây đất nước, thi công những công trình hạ tầng trọng điểm, nối liền mạch máu giao thông quốc gia. Nếu như trong chiến tranh, mỗi nhịp cầu phao, mỗi con đường mòn mở nơi rừng sâu núi thẳm là một kỳ tích được đánh đổi bằng mồ hôi, máu xương và lòng quả cảm, thì ngày nay, trên những đại công trường giữa đồng bằng, miền núi hay nơi bão lũ hoành hành, người lính Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ, “bắc cầu qua sóng dữ”, “trụ vững giữa lũ dâng”, với quyết tâm không gì lay chuyển.
Niềm vui trong Tháng Công nhân và Tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động trên công trường cầu Phong Châu mới, tháng 5-2025. |
Màn đêm buông xuống, công trường trên dòng sông Hồng vẫn sáng đèn. Từng tổ hàn, tổ đúc dầm, tổ vận hành máy cẩu vẫn miệt mài làm việc. Những tiếng loa báo đổi ca vang lên, rộn rã như hiệu lệnh giữa chiến trường. Và giữa nhịp sống khẩn trương ấy, một tinh thần Trường Sơn bất diệt đang tiếp tục được viết nên, nơi dòng sông Hồng chứng kiến bản lĩnh, trí tuệ và trái tim người lính vì dân, vì nước.
NGUYỄN HỒNG SÁNG
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bo-doi-truong-son-luyen-tinh-than-thep-song-hong-828759
Bình luận (0)