Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết chất vấn liên quan lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Căn cứ quan trọng quản lý dạy thêm, học thêm
Về tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2025.
Có tổng số 88 cuộc kiểm tra với 113 đối tượng (4 UBND tỉnh, 46 sở, 3 đại học, 2 đại học quốc gia, 2 học viện, 56 cơ sở giáo dục đại học), trong đó có nội dung kiểm tra về dạy thêm, học thêm tại một số sở giáo dục và đào tạo.
Bộ cũng ban hành thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm (có hiệu lực từ ngày 14-2) là công cụ rất quan trọng trong quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Đây là căn cứ tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra về dạy thêm, học thêm.
Bộ cũng ban hành công văn báo cáo tình hình triển khai thực hiện thông tư 29 gửi tới 63 tỉnh, thành.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm, thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 5 địa phương (Hà Nội, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và TP.HCM).
Cùng với đó chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Liên quan sửa đổi, bổ sung quy định quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, bộ trưởng thông tin đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành công điện 10 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Ban hành các văn bản theo thẩm quyền đến UBND các tỉnh, thành, công đoàn giáo dục Việt Nam để tăng cường phối hợp trong việc triển khai thực hiện thông tư 29.
Thời gian qua bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc thông tư 29.
Đến nay 100% sở đã chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm của tỉnh, đăng lên cổng thông tin tỉnh để xin ý kiến rộng rãi toàn dân, thẩm định dự thảo quy định, trình UBND cấp tỉnh ban hành.
Tính tới cuối tháng 3, có 4 tỉnh đã ban hành quyết định quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh gồm Long An, Cà Mau, Hải Dương, Bình Dương.
Còn theo thống kê đến nay đã có thêm nhiều tỉnh, thành khác ban hành quy định này.
Nghiên cứu xây dựng kế hoạch thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng báo cáo Quốc hội việc triển khai nghị quyết 88/2014 và kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Bộ đã ban hành thông tư 26/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa...
Bộ cũng quy định rõ hơn về tiêu chuẩn cá nhân biên soạn và thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định; việc thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa vào tháng 5 hằng năm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ thẩm định lại vào tháng 9 hằng năm.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương đăng ký nhu cầu số lượng; yêu cầu các nhà xuất bản, đơn vị có sách giáo khoa được phê duyệt cung ứng kịp thời để giáo viên và học sinh có sách giáo khoa trước khai giảng năm học mới.
Việc cung ứng sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ đến các trường, các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn.
Bộ yêu cầu các nhà xuất bản tập huấn sử dụng sách giáo khoa, hỗ trợ dạy và học cho giáo viên và học sinh.
Tiếp tục rà soát kế hoạch, cải tiến hệ thống và cách thức phát hành của các nhà xuất bản theo quy định của pháp luật để giảm giá thành sách giáo khoa và bảo đảm việc cung ứng đủ, kịp thời...
Bộ trưởng cho hay đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên bộ trưởng cũng chỉ rõ việc in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn.
Việc biên soạn sách cho học sinh khuyết tật, tổ chức dịch song ngữ sách giáo khoa theo chương trình mới gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện; kinh phí cho việc chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi braille chưa được bố trí.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-bao-cao-quoc-hoi-ve-sach-giao-khoa-day-them-hoc-them-20250511093948107.htm
Bình luận (0)