Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế"

Chiều 22/5, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo. Hội nghị diễn ra trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến đến các điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch22/05/2025

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng các chuyên gia, nhà khoa học. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTTDL; Sở Văn hóa, thể thao; Sở Du lịch các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dưới sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa, trong nhiệm kỳ này cụm từ văn hóa được các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy Đảng, các ban, bộ ngành cụ thể hóa, xây dựng thành các chương trình hành động.

Trong đó, điểm nhấn là Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; Hội thảo "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"; các Hội thảo văn hóa về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá... mới đây nhất Quốc hội đã ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thế chế, ở nhiệm kỳ này, Bộ VHTTDL được giao chủ trì xây dựng và đã được Quốc hội thông qua 4 luật, 1 nghị quyết, Chính phủ ban hành nhiều nghị định quan trọng tạo cơ hội cho văn hóa phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Về tổng thể, có thể nói từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân, trong giai đoạn này, văn hóa có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động được tổ chức phong phú về mặt nội dung, đa dạng về hình thức, có tác dụng bồi đắp, phát huy những giá trị về chân, thiện, mỹ và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh kiến tạo chính sách, dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL được Bộ Chính trị giao cùng với các cơ quan hữu quan tham mưu xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

"Trong đó, điều đáng mừng là trong dự thảo văn kiện lần này, văn hoá, con người đã được đưa vào một mục với những nội hàm rất cụ thể. Từ đó, chúng ta có cơ sở rõ ràng để quán triệt, triển khai thực hiện khi được Đại hội thông qua với nhiều luận điểm và cách tiếp cận mới", Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL được Bộ Chính trị giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Đây là một nhiệm vụ vinh quang những cũng rất khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" - Ảnh 3.

Hội thảo được trực tiếp từ điểm cầu Bộ VHTTDL đến các địa phương trên cả nước.

Theo Bộ trưởng, để xây dựng được một Đề án xứng tầm trình Bộ Chính trị, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết 59-NQ/TW về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" không phải vấn đề đơn giản. Chính vì vậy, thời gian qua, bằng bước đi và việc làm thận trọng, Bộ VHTTDL đã giao cho các đơn vị của Bộ tích cực nghiên cứu, xây dựng đề cương, tổ chức các hội thảo các cấp để tập hợp các ý kiến đóng góp giúp Bộ xây dựng Đề án.

Gợi ý một số vấn đề liên quan đến "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế", Bộ trưởng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, những người quan tâm đến văn hóa để làm rõ thành tố, nội hàm "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" là gì?, biểu hiện, hình thức thể hiện ra sao? cách tiếp cận như thế nào? để đề xuất những giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn lực, con người...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" - Ảnh 4.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL khẳng định, trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, là động lực của sự phát triển bền vững, tăng cường uy tín quốc gia, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển.

Sức mạnh văn hóa được ví như "quyền lực mềm" được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng, không bị đồng hóa bởi bất kỳ thế lực ngoại xâm nào. Hệ giá trị và bản sắc đó, cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đã tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam.

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Trên cơ sở những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng 80 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng gần 40 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước ta lại có "cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế" như ngày nay. Đứng trước thời điểm lịch sử, khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, chưa bao giờ ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên của toàn Đảng, toàn dân tộc lại mạnh mẽ như hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính vì vậy, để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân ta là nâng tầm, mở rộng "sự đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại", để từ đó vươn lên, khẳng định Việt Nam "có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại".

Trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thứ năm 2025 đặt ra nhiệm vụ xây dựng đề án "Quốc tế hóa Văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Đây là một chủ trương đúng đắn và thiết thực, nhằm nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần tích cực vào phát triển văn hóa nhân loại và vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội...

>>> Cổng TTĐT Bộ VHTTDL tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-chu-tri-hoi-thao-toan-quoc-ve-de-an-quoc-te-hoa-van-hoa-viet-nam-va-viet-nam-hoa-van-hoa-quoc-te-20250522155916123.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm