Lứa tuổi 40 trở lên đánh dấu bước chuyển mình của mỗi người sang giai đoạn mới. Đó cũng là thời điểm mỗi chúng ta phải đối diện với các biến động dồn dập của cuộc đời.
Cùng nhau dạo chơi, trải nghiệm cuộc sống vui - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nỗi lòng của những người ở tuổi trung niên ra sao?
Vào tuổi trung niên, bỗng dưng cảm thấy muộn phiền
Thời gian gần đây, nhiều chị em ở chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) tỏ ra quan tâm khi thấy chị Trúc Ngân (52 tuổi, tiểu thương hàng vải sợi) không còn vẻ mặt tươi tắn, đầy sức sống như ngày nào. Nhiều người đoán già đoán non có lẽ do buôn bán ế ẩm hoặc gia đình chị đang gặp chuyện không vui.
Theo lời chị Ngân tâm sự, ngay cả chính mình cũng chẳng rõ nguyên do. Vì chuyện kinh doanh vẫn bình thường, mọi việc ở nhà cũng ổn. Có chăng là chị thường xuyên mất ngủ vì lo lắng đủ thứ.
Chị bất an khi xu hướng người tiêu dùng chuộng mua online hơn tới chợ, bạn hàng vẫn chưa thanh toán hết lại lấy thêm hàng khiến nợ nần chồng chất. Đó còn là mối bận tâm về tính nết hai đứa con tuổi teen ngày càng thất thường. Rồi chị lại ghen bóng ghen gió; lo anh có phòng nhì, lo gia đình tan vỡ...
"Những người trong nhóm bạn chơi chung của mình cũng bị như mình vậy. Mỗi người đều có những mối bận tâm khác nhau. Mà toàn lo những chuyện vụn vặt, chẳng đâu ra đâu cả. Tôi biết điều đó là không tốt nhưng tự mình không thể thoát ra tình trạng này", chị Ngân cho biết.
Với chị Anh Thư (40 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) lại là sự suy sụp tinh thần khi nhận ra nhan sắc của mình ngày một xuống cấp. Dù chị nói mình không hề tiếc tiền để mua đủ loại mỹ phẩm cao cấp.
Từng đoạt giải hoa khôi trong một cuộc thi thời sinh viên, được bạn bè đồng nghiệp đặt cho danh hiệu "người đẹp không có tuổi" nên sự tàn phai ấy càng khiến chị thêm khắc khoải, tiếc nuối. Chị trở nên nhạy cảm hơn, dễ nổi nóng với người thân, thường xuyên tránh mặt người quen, ngại đến chỗ đông người.
Khủng hoảng tuổi trung niên ở nữ lẫn nam
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn trung niên thường kéo dài từ khoảng 40 - 65 tuổi. Tuy nhiên mốc tuổi này có thể dao động tùy thuộc vào quan điểm văn hóa, sức khỏe và lối sống của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Tuổi trung niên thường đi kèm với nhiều thay đổi cả về mặt thể chất, tâm lý lẫn xã hội. Về mặt sức khỏe, đây là giai đoạn mà cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như suy giảm thị lực, tóc bạc, da bắt đầu nhăn nheo; các vấn đề về tim mạch và xương cũng cần được chú trọng. Tâm lý ở độ tuổi này cũng thay đổi đáng kể. Nhiều người bắt đầu suy ngẫm về những thành tựu, thất bại và định hướng lại cuộc sống.
Trong độ tuổi này nhiều người đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chú trọng nuôi dưỡng thế hệ con cái tiếp theo hoặc chăm sóc cha mẹ già, đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Nên mọi thứ dường như càng thêm trầm trọng trong suy nghĩ của họ.
Khái niệm "khủng hoảng tuổi trung niên" được đưa ra lần đầu vào năm 1965 bởi nhà phân tâm học Elliott Jaques (Canada), khi ông ghi nhận những thay đổi rõ rệt về tâm lý ở bạn bè vào giai đoạn đầu của tuổi trung niên, với những cảm giác tiêu biểu là chán nản, đau khổ, mất mát.
Các dấu hiệu khủng hoảng ở phụ nữ thường bị nhầm lẫn với biểu hiện tâm lý tiền mãn kinh; hoặc những nỗi bận tâm trong cuộc sống như: mất việc, kinh doanh thất bại, gia đình không hạnh phúc, cha mẹ già yếu...
Đó còn là cảm giác vô hình trước đám đông. Bởi với phụ nữ, nhan sắc và ngoại hình thường thu hút cái nhìn, sự quan tâm của nhiều người. Khi bước vào tuổi trung niên, những điều đó dần xuống dốc. Họ như người vô hình trên phố, không mấy ai quan tâm, cũng chẳng ai ngoái lại nhìn như trước. Nhiều phụ nữ lại có cảm giác mất mát, vô dụng, bị gạt ra ngoài lề trong công việc của mình vì tuổi tác.
Với các đấng mày râu, tình trạng khủng hoảng thường liên quan đến công việc, kinh tế, sức khỏe... Là sự bất an trong hiện tại, lo lắng trước tương lai, so sánh với bạn bè. Áp lực càng lớn khi họ giữ vai trò trụ cột gia đình, doanh nghiệp.
Không chỉ các chị em, sự mặc cảm tự ti về nhan sắc, vóc dáng, bệnh tật mà nam giới cũng khắc khoải, ưu tư. Chính việc ngại giao tiếp, thiếu chia sẻ và thu mình vào thế giới riêng dễ khiến những u uất trở thành bệnh lý.
Những thay đổi đó khiến nhiều người bất an, không còn sống vui, sống khỏe. Tình trạng này nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như các mối quan hệ công việc, gia đình.
Nhìn từ thực tế, không ít người hành xử chưa đúng trong độ tuổi này vì ảo tưởng, ngộ nhận dẫn tới sai lầm. Đó là lười vận động khiến thể trạng đàn ông trung niên bắt đầu mất đi sự cân đối, vẫn mải theo đuổi sự nghiệp mà quên gia đình. Họ dễ mơ tưởng, chạy theo những mối tình nhất thời mà quên đi khoảng cách về tuổi tác, sức khỏe, quan điểm sống...
Sống tích cực, lạc quan
Khủng hoảng tuổi trung niên thực sự không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Khi đối mặt với tình trạng này, bạn nên bình tĩnh nhìn nhận lại những điều tích cực trong cuộc sống, những thành tựu mà mình đã đạt được, tận hưởng thời gian bên gia đình thay vì so sánh mình với người khác hoặc suy nghĩ tiêu cực.
Cần tăng cường vận động thể chất bằng cách chơi thể thao, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, sống lạc quan. Tâm sự với gia đình, người thân hoặc bạn bè về tình trạng của bản thân, cảm xúc để được hỗ trợ. Hãy thử sức với những điều mới mẻ, mang tính thử thách cũng giúp bạn có thêm kỹ năng, trải nghiệm và kinh nghiệm đáng quý.
Mỗi người luôn cần một phương pháp riêng phù hợp với hoàn cảnh, tính cách của mình. Có thể là các hoạt động giải trí hoặc rèn luyện, có thể là gym, yoga hoặc thiền. Đối với những người năng động hơn, có thể đi phượt, trekking hay leo núi. Học cách vị tha hơn, khoan dung hơn và tập buông bỏ. Buông bỏ ở đây được hiểu theo nghĩa loại bỏ những điều khó chịu, tiêu cực, kéo lùi cảm xúc ra khỏi trí não, cuộc đời. Từ đó dành thời gian chăm chút cảm xúc chính mình nhiều hơn để hiểu bản thân thực sự cần điều gì.
Chọn bạn mà chơi
Hạnh phúc đôi khi chỉ là đầy ắp tiếng cười, sống vui với bạn bè - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các chuyên gia khuyên những người ở độ tuổi nhạy cảm này cần "chọn bạn mà chơi". Đó có thể là các câu lạc bộ, hội nhóm cùng lứa tuổi, cùng mối quan tâm, hợp nhau cùng nuôi dưỡng niềm đam mê cá nhân... Đồng thời cần tránh xa những hội nhóm tiêu cực theo kiểu thích ngồi lê đôi mách, hóng drama, bóc phốt...
Không ít người có tuổi già bão dông vì những xáo trộn, sai lầm của tuổi trung niên. Có thể vì quá cô đơn đã chia sẻ, tâm sự với người bên ngoài, tìm kiếm sự mới mẻ trong các quan hệ rồi tiến tới ngoại tình, đổ vỡ hạnh phúc. Hoặc do chán chường cuộc sống hiện tại, nhiều người rơi vào những cái bẫy khởi nghiệp, đầu tư đa cấp...
Trung niên là giai đoạn mà mọi người đều sẽ trải qua, là bước đệm giữa tuổi trẻ và tuổi già. Trước khi bước vào giai đoạn này, mỗi người cần chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận những thay đổi của cơ thể, đồng thời có những điều chỉnh trong lối sống nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tuổi trung niên cần hoạt động cộng đồng, tối ưu hóa sức khỏe
Trung niên không chỉ là giai đoạn diễn ra những thay đổi sinh học mà còn là một cơ hội để các cá nhân phát triển, đổi mới và đặt ra những mục tiêu mới cho thời gian còn lại của cuộc đời. Đây có thể là thời điểm để khám phá những sở thích mới, tham gia hoạt động cộng đồng, hoặc tối ưu hóa sức khỏe thông qua chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
Để tận dụng tối đa những năm tháng trung niên, việc duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc tập luyện đều đặn, ăn uống cân đối và quản lý stress một cách hiệu quả. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và duy trì các mối quan hệ xã hội cũng là những yếu tố không thể thiếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong suốt giai đoạn này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bong-dung-muon-phien-suy-sup-cach-nao-song-lac-quan-o-tuoi-trung-nien-2025022206402983.htm
Bình luận (0)