Lời tòa soạn: Tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đang trở thành từ khóa nóng được quan tâm.
Đây được xem là "cuộc cách mạng" đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình. Dự kiến sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước. Nhiều nhân sự trong diện tinh giản ở độ tuổi 30-50 không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.
Tìm việc hay khởi nghiệp ở ngưỡng tuổi này với nhiều người là một thử thách. Tuy nhiên, bước ra ngoài kia, bạn không hề đơn độc, bởi thực tế, có nhiều cá nhân đã có những giai đoạn từng giống như bạn.
Từ một nữ phó chủ tịch quen với công việc hành chính, đều đặn nhận lương mỗi tháng; từ một hiệu trưởng, giảng viên quen với nhịp dạy sáng đi tối về trên mỗi giảng đường… họ trở thành những chủ doanh nghiệp triệu USD điển hình, gây dựng sự nghiệp cho bản thân ở tuổi 30-50, thậm chí giúp đỡ được nhiều người.
Dân trí triển khai tuyến bài "Bứt khỏi vùng an toàn" với mục đích lan tỏa năng lượng tích cực, là sự gợi mở giúp nhiều người có thêm động lực và hướng đi mới cho bản thân.
Trong gian hàng hội chợ Biofach 2025 - hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ tổ chức tại Nuremberg, Đức - anh Phạm Đình Ngãi say sưa giới thiệu với đối tác đến từ châu Âu các sản phẩm làm từ mật hoa dừa Việt Nam.
Vị ngọt thanh của đường làm từ mật hoa dừa, hương thơm của nước tương mật hoa dừa hay nét đặc trưng sản phẩm mang đậm màu sắc của vùng đất nơi con sông Mê Kông chảy qua khiến những khách hàng quốc tế ấn tượng, mở ra những cơ hội hợp tác.
Năm thứ 3 tham gia hội chợ thực phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới và là năm thứ 7 nghỉ việc nhà nước ra khởi nghiệp, anh Phạm Đình Ngãi đang dần hiện thực hóa ước mơ đổi đời, đưa nông sản Việt ra thế giới, giúp người nông dân tháo gỡ bài toán "được mùa mất giá".
Anh Phạm Đình Ngãi quê ở Quảng Ngãi nhưng sớm cùng gia đình di dân vào Đồng Tháp. Từ bé, chứng kiến cảnh cha mẹ nhọc nhằn trên đồng ruộng, canh tác được chăng hay chớ theo mùa nước lũ, anh Ngãi tự nhủ phải học tập thật chăm chỉ để sau này có công ăn việc làm ổn định.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ban ngày, anh Ngãi đi làm cho một tập đoàn ở TPHCM, tối tranh thủ đi học cao học với dự định sẽ trở thành một thầy giáo.
Cuối năm 2013, cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay, chàng trai xứ Quảng tự tin ứng tuyển vào vị trí giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TPHCM. Ngoài công tác chuyên môn, anh còn đảm nhận vị trí bí thư đoàn khoa.
Cách đây 10 năm, mức thu nhập 13-15 triệu đồng/tháng giúp anh có cuộc sống ổn định ở TPHCM. Bố mẹ biết anh công tác tại ngôi trường có bề dày đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ, cơ khí… luôn rất tự hào.
Vợ anh - chị Thạch Thị Chal Thi - là thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm, làm việc cho một công ty tư nhân tại TPHCM. Cả hai cứ nghĩ sẽ sinh sống lâu dài tại thành phố này.
"Bản thân tôi cũng cảm thấy hạnh phúc với nghề giáo bởi trao truyền được kiến thức, ước mơ cho nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, vì xuất thân là con của người nông dân nên tôi luôn đau đáu một nỗi niềm về nông nghiệp. Vì vậy, năm 2016, tôi quyết định xin nghỉ ở trường để làm việc tại một công ty khởi nghiệp về ca cao ở Tiền Giang", anh Ngãi nhớ lại.
Mất không ít công sức để trở thành một giảng viên nên thời gian đầu, Đình Ngãi cũng có chút tiếc nuối. Anh ý định "chân trong chân ngoài" nhưng rồi nghiệm ra sẽ chẳng thể thành công nếu không tập trung toàn lực.
Quyết định nghỉ việc của anh Ngãi đương nhiên không được gia đình ủng hộ. Ai cũng ra sức can ngăn. Nhiều bạn bè, người quen hay tin liền hỏi: "Lương giảng viên 15 triệu đồng, sống quá ổn sao phải thay đổi?". Dẫu vậy, anh Ngãi vẫn quyết định từ bỏ "chỗ ổn định" để đối mặt với những khó khăn.
"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, mình còn trẻ. Nếu sai, mình vẫn có cơ hội để sửa. Tấm bằng và kiến thức của mình vẫn ở đó, không thành công thì quay lại đi dạy. Nếu không thử sức với cơ hội này, mình sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn và một ước mơ dang dở", chàng trai sinh năm 1989 chia sẻ.
Khoảng thời gian làm tại Tiền Giang càng thôi thúc niềm đam mê về nông sản với Đình Ngãi. Năm 2018, chị Thạch Thị Chal Thi về nhà bố mẹ đẻ ở Trà Vinh sinh con và nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với cây dừa.
"Tôi về quê sinh con đúng thời điểm dừa rớt giá thảm hại, 12 trái chỉ bán được 20.000-30.000 đồng. Cả nhà chạy đôn đáo khắp nơi mời thương lái tới mua dừa nhưng vẫn không bán được hàng. Nghe tiếng dừa rơi lộp bộp mà xót ruột.
Hơn 700 gốc dừa không bán được quả, nhà tôi nạo cơm dừa bán cho quán kem một phần, một phần chấp nhận đổ bỏ. Vụ dừa năm ấy coi như lỗ to", Chal Thi nhớ lại.
Là một thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm, Chal Thi không đành lòng. Chị lên mạng tìm hiểu và được biết trên thế giới, ngoài trồng dừa lấy quả, nhiều nước còn trồng dừa để lấy mật.
Làm việc ở Tiền Giang, anh Ngãi như ngồi trên đống lửa khi nghe vợ cập nhật tình hình dừa ế ở nhà. Vì vậy, ngay khi vợ chia sẻ về việc lấy mật hoa dừa, anh đã đồng ý và thu dọn hành lý về huyện Tiểu Cần, Trà Vinh cùng vợ khởi nghiệp. Cả hai lấy tên công ty là Sok Farm với ý nghĩa "nông nghiệp hạnh phúc" (Sok trong tiếng Khmer là hạnh phúc).
Vợ chồng anh Ngãi bỏ công việc ổn định ở TPHCM về quê khởi nghiệp.
Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bến Tre. Bao đời nay, người dân nơi đây đã quen với việc trồng dừa lấy quả. Vì vậy khi nghe hai người trẻ nói về việc cắt hoa lấy mật, ai cũng gạt phắt đi.
Anh Ngãi cùng vợ ra sức thuyết phục bố mẹ, xin 100 gốc dừa để thử nghiệm lấy mật. Cây dừa vốn là tài sản quý của người nông dân nên đắn đo suy nghĩ một tháng, xem đủ các tài liệu khoa học quốc tế các con đưa ra, bố của chị Chal Thi mới đồng ý cho các con "mượn" 100 gốc dừa.
Xin được gốc dừa nhưng suốt 6 tháng, cả hai không biết cách thu mật. Họ xem đi xem lại các video hướng dẫn lấy mật hoa dừa ở Thái Lan và một số nước nhưng khi làm thì lại thất bại.
Khoảng thời gian đó, anh Ngãi ngày đêm ở trên ngọn dừa để tìm hiểu về thời điểm cắt hoa, lấy mật, thử mọi phương pháp nhưng lượng mật từ hàng chục cây dừa cả tháng cũng chưa đến nửa lít.
Đi sâu tìm hiểu, anh Ngãi nhận ra, lấy mật hoa dừa làm đường vốn là một nghề truyền thống của địa phương nhưng đã bị mai một khi đường mía phát triển. Anh cùng vợ gặp những người già trong làng, các vị sư trong chùa để học hỏi kinh nghiệm và cuối cùng tìm ra được lời giải: Khi lấy mật phải mát-xa cho hoa dừa một lực phù hợp để thông tuyến mật bên trong.
Nắm được kỹ thuật lấy mật, thu được mật, họ lại đối diện với thử thách về kỹ thuật chế biến. Hàng trăm mẻ mật hoa cô đặc bị thất bại phải đổ đi, cuối cùng mật hoa dừa cô đặc nguyên chất 100%, không chất bảo quản được ra lò.
"Làm ra được sản phẩm đã gian nan nhưng tiêu thụ được cũng vất vả và đau đầu không kém. Tiếp thị, thậm chí biếu, tặng ở đâu, mật hoa dừa cũng được đặt lên bàn cân với mật ong truyền thống", anh Ngãi chia sẻ.
Vợ chồng thạc sĩ lại ra sức thuyết phục về những đặc tính chỉ mật hoa dừa mới có như vị ngọt thanh, chỉ số đường thấp hơn so với mật ong, đường mía nhưng có hàm lượng khoáng chất cao, giàu vitamin, có hầu hết các loại acid amin thiết yếu, thích hợp đối với người bệnh tiểu đường type 2, người ăn thuần chay… Cả hai chấp nhận tặng miễn phí mẫu để khách hàng thử.
Khi có đã có những tín hiệu thành công từ sản phẩm, anh Ngãi kêu gọi hợp tác từ nông dân nhưng đa số đều từ chối vì nỗi lo "đang thu trái mà đi thu bông thì cây sẽ chết".
Nhiều người còn cho rằng, vợ chồng trẻ tiếp tay cho thương lái nước ngoài, thu mua nông sản theo cách kỳ lạ để hủy hoại cây dừa. Các bằng chứng khoa học đưa ra cũng không ai tin.
Lúc ấy, anh Đình Ngãi và chị Chal Thi chỉ còn cách làm trên vườn dừa gia đình. Nhờ là người Khmer, chị Chal Thi hiểu rõ về văn hóa của đồng bào mình nên dần dần thuyết phục người dân địa phương. Diện tích vùng nguyên liệu vì thế được mở rộng.
Miệt mài làm việc hơn một năm, đầu tư hết số tiền dành dụm, rồi vay mượn thêm nhưng khi tổng kết lại, họ vẫn lỗ 200 triệu đồng. Có thời điểm, giám đốc trẻ còn phải bán xe máy của mình lấy hơn 30 triệu đồng để trả lương cho nhân viên. Áp lực về nguồn vốn khiến đôi lúc anh hoài nghi về quyết định nghỉ việc nhà nước của mình.
"Sok Farm khi ấy không phải là của hai vợ chồng nữa mà là của cả một cộng đồng. Vợ chồng tôi chỉ còn biết động viên nhau rằng, mình may mắn biết được một sản phẩm phát triển bền vững, nếu thành công thì không những đem lại kinh tế mà còn giải quyết được bài toán xâm nhập mặn ở miền Tây", anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ.
Một thời gian sau, khách hàng cũ bắt đầu quay trở lại, khách hàng mới là những người ăn chay, tiểu đường... cũng dần tăng lên. Không chỉ chinh phục khách hàng trong nước, các sản phẩm từ mật hoa dừa của vợ chồng thạc sĩ còn được xuất khẩu.
Anh Ngãi kể về đơn hàng xuất khẩu đầu tiên tới Nhật Bản năm 2021: "Lần ấy, chúng tôi xuất khẩu 1.200 chai mật hoa dừa cô đặc. Khách hàng Nhật nổi tiếng là khó tính vì vậy chúng tôi càng quyết tâm hoàn thành đơn hàng bởi nếu làm được, chúng tôi chắc chắn sẽ có thêm các cơ hội khác".
Khi công ty giành được chứng nhận hữu cơ quốc tế, anh Ngãi cùng vợ đem các sản phẩm từ mật hoa dừa Việt Nam đến tham dự hội chợ thương mại Biofach. Năm 2021, anh gửi các sản phẩm của công ty tham dự cuộc thi Great Taste (tạm dịch Hương vị tuyệt vời) ở Anh với sự góp mặt của 500 giám khảo là các đầu bếp thế giới và bất ngờ nhận được giải thưởng 1 star (chứng nhận 1 sao).
Đánh giá từ hội đồng giám khảo khiến anh xúc động: "Khi nếm sản phẩm của bạn, chúng tôi nhận ra một hương vị đặc trưng giống như vị của phù sa vùng Mê Kông, điều mà chúng tôi không thể tìm thấy ở sản phẩm tương tự của các quốc gia khác".
Theo anh Ngãi nghề lấy mật hoa dừa đem lại kinh tế, giúp giải bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa. Một chùm hoa dừa đạt năng suất thường đậu khoảng 10 trái, giá bán khoảng 50.000 đồng. Nếu khai thác mật, mỗi chùm hoa dừa sẽ cho 25l, tương đương 250.000 đồng. Như vậy, chỉ cần có 20 gốc dừa, mỗi tháng một hộ nông dân có thể thu được 6-7 triệu đồng.
Không chỉ có thế, đây còn là nghề thích ứng với biến đổi khí hậu xâm nhập mặn của miền Tây. Nhiều diện tích dừa bị xâm nhập mặn không thể ra trái nhưng vẫn trổ bông đều đặn và cho mật.
Sau hơn 5 năm phát triển, vợ chồng thạc sĩ bỏ phố về quê khởi nghiệp đã dần hái quả ngọt. Trung bình mỗi năm, công ty của họ sản xuất được 240 tấn nguyên liệu hữu cơ thành phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ.
Doanh thu năm 2024 của công ty đạt 21 tỷ đồng. Công ty có hệ thống phân phối hơn 400 đại lý, trên 30 tỉnh thành, 200 chuỗi cửa hàng organic, siêu thị trên toàn quốc, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường: Đức, Mỹ, Hà Lan, Úc, Nhật Bản.
Những ngày đầu khởi nghiệp trong xưởng chỉ có 2 công nhân, hiện tại họ đã tạo việc làm ổn định cho 90 hộ, trong đó có 48 công nhân viên và liên kết với 42 nông hộ. Từ 1 sản phẩm, nay công ty đã có 6 sản phẩm được nghiên cứu từ mật hoa dừa và tương lai là hơn 30 sản phẩm trong nhiều lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm...
Mật hoa dừa, đường mật hoa dừa được bán cho các nhà máy xí nghiệp để phát triển những dòng sản phẩm sử dụng đường tự nhiên, ít calo, tốt cho sức khỏe.
Diện tích vườn dừa lấy mật của công ty đã lên tới 20ha với 5.000 cây dừa. Năm 2025, cả hai đặt mục tiêu nâng diện tích dừa lấy mật lên 30ha, đến năm 2030 là 300ha (tương đương khoảng 1% tổng diện tích dừa của Trà Vinh).
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp gian nan, chàng thạc sĩ trẻ chia sẻ: "Mọi sự thay đổi là để tốt hơn, nếu chấp nhận vấn đề theo hướng tích cực thì mỗi người sẽ luôn tìm ra được lối thoát khi đứng trước khó khăn, vướng mắc".
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/tu-can-bo-nha-nuoc-den-nga-re-thanh-ong-chu-cong-ty-trieu-usd-nuc-tieng-mot-vung-20250220151739897.htm
Bình luận (0)