Hành trình trở thành chuyên gia phẫu thuật thần kinh tài năng
BS Lương Anh cho biết anh từng chọn học sư phạm theo truyền thống gia đình, nhưng niềm đam mê ngành y từ thuở nhỏ khiến anh sớm nhận ra nghề giáo không phù hợp với mình. Anh quyết định rẽ hướng thi vào Đại học Y dược TP.HCM.
6 năm học Y là hành trình sáng đi học chiều đi làm thêm để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt. Ra trường, được nhận vào làm tại Khoa ngoại một bệnh viện danh tiếng, anh chọn lĩnh vực ngoại thần kinh.
"Những năm 2010, Khoa ngoại thần kinh mà bác sĩ công tác tương đối lớn, tuy vậy cơ sở vật chất còn hạn chế, ít các ca mổ chuyên sâu, chủ yếu điều trị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mê man, máu me, da thịt bầy hầy… Cảm giác ban đầu lĩnh vực thần kinh không mấy thú vị", bác sĩ Lương Anh hồi tưởng.
Cơ may đến khi anh được làm việc cùng đoàn bác sĩ Pháp sang chuyển giao chuyên môn với bệnh viện, cùng thực hiện các ca mổ phức tạp. "Tôi thực sự bị thu hút bởi tay nghề của các bác sĩ Pháp: sự tinh tế, điêu luyện và đẳng cấp", bác sĩ Lương Anh nhớ lại. Nhờ đó, anh tìm thấy đam mê phẫu thuật thần kinh. Niềm đam mê thường xuyên níu anh ở lại bệnh viện tới nửa đêm và không ngần ngại tham gia các ca mổ gấp lúc 1-2 giờ sáng.
Năm 2011, bác sĩ Lương Anh được cử sang Pháp tu nghiệp theo chương trình Hợp tác đào tạo Y khoa Pháp - Việt (FFI). "Tôi ngộ ra rất nhiều thứ… Trước đó dù tay nghề phẫu thuật đã thành thục, nhưng thực ra tôi chỉ là "thợ" thôi … Đi tu nghiệp, tôi được học cách làm việc của người Pháp: tính logic của vấn đề, phối hợp liên chuyên khoa, cách theo dõi bệnh, lên kế hoạch để toàn vẹn trong từng ca mổ", bác sĩ Lương Anh chia sẻ.
Về nước, bác sĩ Lương Anh hoàn thành khóa học đào tạo bác sĩ chuyên khoa II. Anh là một trong số ít bác sĩ ngoại thần kinh thành thạo cả hai lĩnh vực phẫu thuật cột sống và sọ não. Không chỉ được bệnh nhân tin tưởng, anh còn nhận được sự nể trọng từ đồng nghiệp.
Bác sĩ Lương Anh thực hiện cả trăm ca mổ não và cột sống mỗi năm
Khi hỏi về ca mổ "nhớ đời", bác sĩ Lương Anh không kể về những lần kéo bệnh nhân khỏi lằn ranh sinh tử; đọng lại trong anh lại là tình huống tiến thoái lưỡng nan: làm sao để tôn trọng nguyện vọng của bệnh nhân?
Một nữ bệnh nhân phải mổ khối u lớn trong não với nguy cơ mất máu nhưng bà từ chối nhận truyền máu vì lý do tôn giáo. Các con của bà nói, bác sĩ cứ truyền máu khi cần, nhưng giấu không cho bà biết. Vì không muốn nói dối bệnh nhân, bác sĩ Lương Anh nhờ các đồng nghiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện can thiệp tắc mạch trước để hạn chế nguy cơ chảy máu. Rất may ca mổ sau đó diễn ra suôn sẻ, cứu sống được bệnh nhân mà không cần truyền máu.
"Phẫu thuật viên cần vượt qua cám dỗ thích mổ"
Trước sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực y học, có rất nhiều quan điểm điều trị cần được thay đổi. Bác sĩ Lương Anh chia sẻ: là phẫu thuật viên ai cũng thích mổ, song thách thức của của một phẫu thuật viên là chiến thắng được thôi thúc giải quyết mọi thứ bằng các ca mổ.
Trước đây, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thường được chỉ định phẫu thuật ngay lần khám đầu tiên. Còn với bản thân mình, anh quan niệm việc mổ chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp hoặc khi đó là lựa chọn cuối cùng, và ưu tiên điều trị bảo tồn trước. "Đây là cách điều trị nhẹ nhàng, ít rủi ro. Cái nào tốt nhất cho bệnh nhân thì làm", bác sĩ Lương Anh khẳng định.
Bác sĩ Lương Anh đảm trách vai trò Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống tại FV
Quan niệm này cũng trùng khớp với triết lý đặt lợi ích của bệnh nhân trên hết của Bệnh viện FV, nơi anh chọn làm môi trường gắn bó tiếp theo trong hành trình sự nghiệp.
"Người bác sĩ được làm việc với sự vô tư và cái tâm của mình. Đó là điều tôi tâm đắc nhất tại FV", bác sĩ Lương Anh lý giải về việc anh chọn gia nhập "ngôi nhà FV".
Bác sĩ Lương Anh cùng đồng nghiệp tại FV phát triển lĩnh vực mổ sọ não lên một tầm cao mới
ẢNH: FV
Trong vai trò Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống tại FV, anh muốn cùng đồng nghiệp phát triển lĩnh vực mổ sọ não lên một tầm cao mới, đặc biệt là các kỹ thuật khó như mổ u não. Ngoài ra, anh cũng dành tâm huyết dìu dắt các bác sĩ trẻ trở thành thế hệ kế thừa, tạo cơ hội phát triển thêm nhiều nhân tài trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh. Anh cho biết, dù công nghệ phát triển vượt bậc, song việc đào tạo thế hệ bác sĩ phẫu thuật trẻ vẫn rất quan trọng.
Bác sĩ Lương Anh trao đổi với các bác sĩ thực tập tại Bệnh viện FV
Là một trong những bác sĩ phẫu thuật thần kinh Việt Nam đầu tiên mổ não bằng cánh tay robot, anh đánh giá robot phẫu thuật mới chỉ giúp hỗ trợ cho phẫu thuật viên về ánh sáng, lên kế hoạch cho ca mổ, giúp tiếp cận các góc nhìn khó quan sát. "Trong trường hợp có sự cố vẫn phải dùng… robot chạy bằng cơm", bác sĩ Lương Anh nói vui.
Bác sĩ Lương Anh "chuyên trị" các chấn thương sọ não, cột sống, các bệnh lý u não, u tủy sống, các bệnh lý về cột sống như: vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, lao cột sống,… và điều trị bệnh lý về thần kinh chức năng như đau dây thần kinh sinh ba, co giật mặt, chèn ép dây thần kinh hỗn hợp, cắt hồi hải mã điều trị động kinh… Anh duy trì cường độ làm việc đáng nể: thực hiện hàng trăm ca mổ não và cột sống mỗi năm.
Để thăm khám với BS.CKII Trần Lương Anh các bệnh về thần kinh cột sống và não, bạn đọc liên hệ Khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống, Bệnh viện FV, hotline: (028)35113333.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bsckii-tran-luong-anh-dieu-gi-tot-nhat-cho-benh-nhan-thi-lam-185250727131138911.htm
Bình luận (0)