Nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh in sổ đỏ cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức. Ảnh: H.LỘC |
Bài 1: Sở Nông nghiệp và môi trường: “Hành động ngay, hiệu quả liền” sau hợp nhất
Ngay sau hợp nhất, Sở Nông nghiệp và môi trường đã lập tức bắt tay vào công việc với tinh thần “hành động ngay, hiệu quả liền”. Bộ máy mới được kiện toàn nhanh chóng, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mọi hoạt động hành chính và chuyên môn diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.
Sự chủ động này không chỉ đảm bảo tiến độ công việc hiệu quả, thông suốt, mà còn thể hiện khả năng thích ứng nhanh với bộ máy mới nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
“Siêu sở” quản lý nhiều lĩnh vực trụ cột
Được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 sở Tài nguyên và môi trường với Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và môi trường được xem là “siêu sở” của tỉnh bởi lực lượng nhân sự hùng hậu, phạm vi quản lý rộng, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Trần Trọng Toàn cho biết, sau hợp nhất, sở có 9 phòng, 2 chi cục và 9 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 1,8 ngàn nhân sự. Các đơn vị mới nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai công việc với tinh thần trách nhiệm cao, không để xảy ra tình trạng gián đoạn hay ngắt quãng trong thực hiện nhiệm vụ. Với các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách như: giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm, quản lý môi trường…, sở chỉ đạo làm việc với phương châm “không ngại sáng đèn”, “làm hết việc không kể hết giờ”.
Điểm thuận lợi lớn sau hợp nhất là các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên và môi trường. Sự phối hợp chặt chẽ và quản lý thống nhất giúp triển khai các dự án nông nghiệp, giao đất, cho thuê đất và bảo vệ môi trường linh hoạt, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khối lượng công việc lớn, yêu cầu đội ngũ cán bộ vừa có chuyên môn sâu, vừa có kiến thức tổng hợp để xử lý đa lĩnh vực khiến quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Điển hình như trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm.
Theo Trưởng phòng Đất đai (Sở Nông nghiệp và môi trường) Trần Hữu Phước, tỉnh đang triển khai nhiều dự án lớn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1... Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn. Ngoài các nguyên nhân khách quan như: quy định, chính sách pháp luật còn một số bất cập và khó áp dụng, còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Đó là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa thật sự hiệu quả; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa được phát huy đầy đủ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy và sợ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai và xây dựng trước đây chưa nghiêm, gây khó khăn cho công tác xét bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc xác định giá đất cụ thể còn nhiều bất cập, chưa sát với thị trường, dẫn đến sự đồng thuận trong nhân dân chưa cao. Nhân lực thực hiện công tác bồi thường tại một số địa phương còn hạn chế cả về số lượng lẫn năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, nhất là tại những địa phương có nhiều dự án cần thực hiện đồng thời.
Gần đây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hồng Văn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân ở phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), Sở Nông nghiệp và môi trường đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, có văn bản đề nghị UBND thành phố Biên Hòa khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan: đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính; đăng ký cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Song song đó, sở chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với địa phương rà soát, phân loại hồ sơ đăng ký đất đai, bao gồm hồ sơ đăng ký biến động chưa được cấp sổ đỏ trước đây để thực hiện cấp sổ. Việc này không những giúp người dân ổn định quyền lợi hợp pháp, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều năm nay, Sở Nông nghiệp và môi trường đứng thứ hạng cao về cải cách hành chính của tỉnh. Năm 2024, sở tiếp nhận mới từ Trung tâm Hành chính công tỉnh gần 17,7 ngàn hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,9%; tiếp nhận mới hồ sơ đất đai hộ gia đình, cá nhân tại Bộ phận Một cửa cấp huyện gần 115 ngàn hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,4%.
Ưu tiên tháo gỡ “nút thắt”, tạo đà cho tăng trưởng
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là “nút thắt” lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh.
Để hóa giải vấn đề này, Sở Nông nghiệp và môi trường sẽ xây dựng kịch bản/kế hoạch chi tiết cho tăng trưởng 2 con số năm 2025. Bên cạnh đó, qua thực tiễn, sở rút ra kinh nghiệm cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Việc thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch giữa chính quyền và người dân, đồng thời xử lý kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị chính đáng của người dân.
Về giải pháp, sở tiếp tục phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng tối đa các thời cơ và thuận lợi để thực hiện hiệu quả khâu đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và kết nối vùng. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong từng khâu công việc, từ chuẩn bị đến hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Chủ động đề xuất đầu tư hạ tầng tái định cư từ sớm để đảm bảo có nơi bố trí cho người dân trước khi thu hồi đất, tạo sự đồng thuận cao.
Sở đã rà soát lại nguồn nhân lực tham gia công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ đó xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về vấn đề cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm đang gấp rút tiến độ, sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 tổ công tác chuyên trách tháo gỡ vướng mắc pháp lý và phân phối nguồn vật liệu. Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và môi trường, các đơn vị liên quan, nguồn đất đắp đã cơ bản được tháo gỡ, đá xây dựng đã được phân bổ theo nhu cầu. Sở tiếp tục theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời rút kinh nghiệm để điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Có thể thấy, Sở Nông nghiệp và môi trường là một trong những điển hình của cơ quan mới sau sáp nhập đang từng bước phát huy hiệu quả trong điều hành, từ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đến phát triển nông nghiệp. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong sở, giữa sở với các sở, ngành, địa phương là giải pháp quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm nay.
Hoàng Lộc - Phạm Tùng
Bài 2: Sở Tài chính: Làm hết việc không kể hết giờ
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/cac-so-chay-dua-den-dich-tang-truong-2-con-so-bai-1-5f242a3/
Bình luận (0)