
Cụ thể, dự báo của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) được điều chỉnh giảm nhiều nhất, 0,5 điểm %, tiếp theo là Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh giảm 0,4 điểm %. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) điều chỉnh giảm 0,2 điểm %, là mức giảm thấp nhất.
Việc hạ dự báo trên diện rộng với các quốc gia và khu vực trên thế giới phản ánh tác động trực tiếp của các biện pháp thương mại mới và tác động tiêu cực gián tiếp của chính sách thương mại đến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng trên toàn cầu.
Trong báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới” cập nhật giữa năm 2025, UN nhận định nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% năm 2025, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1-2025.
Điều chỉnh giảm diễn ra trên diện rộng, ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, chủ yếu do căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bất ổn và thuế quan cao hơn, đặc biệt ở Hoa Kỳ.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tháng 6-2025, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 2,9%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3-2025. Tổ chức này cho rằng triển vọng kinh tế suy yếu sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới, khiến tăng trưởng thấp hơn và tạo việc làm chậm hơn.
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2025 của WB dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 2,3% năm 2025, giảm 0,4 điểm % so với dự báo đưa ra trong tháng 1-2025. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2008, trừ giai đoạn suy thoái toàn cầu vào năm 2009 và 2020.
Theo WB, triển vọng kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều vào diễn biến của chính sách thương mại trên toàn cầu; tăng trưởng có khả năng tiếp tục giảm nếu căng thẳng thương mại leo thang hoặc tình trạng bất ổn về chính sách vẫn tiếp diễn cùng với xung đột địa chính trị leo thang.
Riêng Fitch Ratings (FR) điều chỉnh tăng 0,3 điểm % dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 so với dự báo trong tháng 4-2025. Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc hạ nhiệt là lý do Fitch Ratings nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2025. Số liệu này vẫn thấp hơn mức 2,9% trong năm 2024 và là tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu nhất kể từ năm 2009, không tính giai đoạn đại dịch.
Đối với nền kinh tế Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế khu vực này tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, dù giảm nhẹ so với mức 4,8% của năm 2024 nhưng vẫn mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước và lượng khách du lịch tăng.
Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) WB dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN và Đông Á – Thái Bình Dương trong năm 2025 thấp hơn so với năm 2024, đạt 4,7% và 4,5% (số liệu năm 2024 lần lượt là 4,9% và 5,0%).
Cả ba tổ chức này đều nhận định tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam cao nhất trong khu vực, tiếp theo là Philippines. Các quốc gia Indonesia, Malaysia, Lào đạt tăng trưởng khá trong khu vực.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/cac-to-chuc-quoc-te-nhan-dinh-tang-truong-kinh-toan-cau-giam-trong-nam-2025-709029.html
Bình luận (0)