Ngày 11/4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1000 ban hành quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa gồm các quy tắc ứng xử chung và 5 quy tắc cụ thể: quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp (trên các lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và thông tin); quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, tham quan di sản văn hóa; quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông, không gian mạng; quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác.
Là một trong những đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bảo tàng tỉnh hiện có 24 cán bộ, viên chức, người lao động, với chức năng giáo dục truyền thống, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hoá, thiên nhiên thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và triển lãm; hướng dẫn các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100% cán bộ, viên chức, người lao động đã được quán triệt quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa.
Quy tắc yêu cầu những người làm công tác di sản nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ; không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; không lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi cá nhân; phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; chủ động đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;…
|
Chị Lương Thúy Hồng, Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh cho biết: Qua nghiên cứu và quán triệt của lãnh đạo đơn vị về quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa, tôi luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân phải luôn tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định, quy chế nội bộ của bảo tàng. Đồng thời, tôi luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, chu đáo khi tiếp xúc với khách tham quan; bảo đảm thông tin cung cấp cho khách tham quan về hiện vật hoặc sự kiện lịch sử, văn hóa chính xác và trung thực.
Không riêng Bảo tàng tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác di sản văn hóa tại các cơ quan, đơn vị thuộc Sở VHTT&DL; UBND cấp huyện, cấp xã; có trên 300 hội viên các hội có liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Văn học Nghệ thuật và Nhà báo tỉnh; Hội Di sản văn hóa tỉnh; Hội Bảo tồn dân ca tỉnh). Di sản văn hóa là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng. Để góp phần quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản văn hóa có vai trò không nhỏ của đội ngũ làm công tác di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Quy tắc ứng xử nghề nghiệp được ban hành có ý nghĩa quan trọng, xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, từ đó, thống nhất nhận thức, hành động của người làm công tác di sản văn hóa, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, làm biến dạng, sai lệch và có nguy cơ mai một, hủy hoại di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngay sau khi Bộ VHTT&DL ban hành quy tắc, chúng tôi đã ban hành văn bản đề nghị các hội có liên quan; các phòng, đơn vị trực thuộc sở; UBND các huyện, thành phố quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều lệ hoạt động, điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức tuyên truyền, phố biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành rà soát, nghiên cứu lồng ghép xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình.
Bà Nông Thị Hương Giang, Bí thư Đảng ủy xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 2 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (di chỉ Khảo cổ Mai Pha, thôn Mai Thành) và cấp tỉnh (di tích đền Khánh Sơn, thôn Nà Chuông). Trước đó, để quản lý di tích được hiệu quả, xã đã thành lập Ban Quản lý di tích, ban hành quy định, quy tắc riêng khi tham quan tại các di tích. Sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức bộ phận chuyên môn của xã, đặc biệt là công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa về ý nghĩa, nội dung của quy tắc. Trên cơ sở những nội dung của quy tắc, chúng tôi đã giao bộ phận chuyên môn nghiên cứu để bổ sung vào nội quy, quy chế, quy định quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức tại xã Mai Pha đảm bảo phù hợp. Qua nắm bắt, từ khi quy tắc được triển khai đến nay, cán bộ, công chức làm công tác di sản văn hóa đều chấp hành nghiêm túc, luôn có ý thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ di tích.
Ngoài ra, Sở VHTT&DL cũng giao Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình làm đầu mối theo dõi, tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị (nếu có) để nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tính đến nay, sau hơn 3 tuần quy tắc được ban hành và triển khai, bước đầu đã đem lại hiệu ứng tích cực và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng thực hiện của 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy tắc được ban hành góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm công tác di sản văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Có thể nói, việc đội ngũ những người làm công tác di sản văn hóa nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ và quy tắc ứng xử nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy các di sản sản văn hóa hiện có của Lạng Sơn. Thời gian tới, Sở VHTT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng danh nghĩa của người làm công tác di sản văn hóa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đề xuất, giới thiệu, biểu dương, tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa.
Nguồn: https://baolangson.vn/xay-dung-doi-ngu-chuan-muc-lam-cong-tac-di-san-van-hoa-5046214.html
Bình luận (0)