Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam

Vốn gắn bó với những chuyến hành trình bằng tàu hỏa Bắc Nam từ lâu, chúng tôi cảm nhận rõ những thay đổi của ngành đường sắt trong xu thế vận tải mới. Bên cạnh những đổi mới, cải tiến đáp ứng nhu cầu của hành khách thì cũng còn những “điểm trừ”, những hạn chế cần cải sửa.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân18/04/2025

Cảm nhận về những cải tiến

Ưu điểm của vận tải khách bằng đường sắt không chỉ vận chuyển được số lượng hành khách lớn, mật độ khách đông đảo mà tính an toàn giao thông được bảo đảm cao hơn, ít bị rủi ro về người và tài sản. Đi tàu hỏa còn thân thiện với môi trường, trên các đoàn tàu được thoải mái ngắm cảnh đẹp của quê hương đất nước trên mỗi chặng đường khi đoàn tàu đi qua.

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Nhóm cán bộ, phóng viên Báo CAND trong một chuyến tàu SE đi Đồng Hới, Quảng Bình.

Đồng thời, hành khách đi đường sắt nhiều sẽ góp phần làm giảm áp lực cho đường bộ và hàng không, đảm bảo về giờ giấc, nhất là các dịp lễ tết mà không lo bị kẹt xe, tắc đường như đối với đường bộ, cũng không phải mất nhiều thời gian làm thủ tục an ninh và chờ đợi như đối với hàng không. Đặc biệt, du khách trên tàu có thể đi lại, giao lưu, ngắm cảnh, thưởng thức những bữa ăn ngon miệng ngay tại toa xe mình sử dụng hoặc tại toa nhà ăn trên đoàn tàu.

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Hành khách tàu SE6 ngày 9/4/2025 thư giãn bên ly cafe trên tàu

Thuận lợi là vậy, nhưng nhiều năm qua ngành đường sắt chậm phát triển, thậm chí còn “ngủ quên trong thế mạnh” sẵn có. Hoạt động thua lỗ nặng nề, đời sống cán bộ công nhân viên rơi vào khó khăn, việc làm đì đẹt lúc có, lúc không. Các ram tàu khách phải “chia nhau” để có việc làm. Trong hai năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực của toàn ngành thì công tác vận tải hành khách đang dần được chuyển biến để phục vụ tốt hơn, hiệu suất chạy tàu cũng cao hơn, văn hóa doanh nghiệp trên các chuyến tàu đã được chú trọng, theo đó lượng khách cũng tăng dần, các ga dọc đường từ Bắc đến Nam bớt cảnh đìu hiu.

Để vận tải hành khách thực sự phát triển thì hoạt động trên các đoàn tàu đòi hỏi phải không ngừng đổi mới. Yếu tố “Văn hóa doanh nghiệp - Nếp sống văn minh” trên các chuyến tàu khách phải thực sự là yếu tố mang tính quyết định để “níu giữ tình cảm của hành khách” gắn bó với loại hình vận tải này như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời cũng là một trong những điều kiện để bảo đảm an toàn giao thông trên các chuyến tàu vận tải hành khách hiện nay.

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Toa tàu Thống nhất SE6 đẹp, vệ sinh sạch sẽ...

Quê ở miền Trung nên chúng tôi đi lại bằng tàu hỏa khá nhiều, từ các đoàn tàu SE đến tàu NA (Nghệ An) chặng ngắn. Mới đây, chúng tôi đi tàu SE6 và cảm nhận nhiều điều trên các chặng hành trình. Tàu SE6 rời khỏi ga Đồng Hới theo hướng Hà Nội chiều 09/4. Đoàn tàu với những trang thiết bị còn mới, các toa tàu sạch đẹp, thiết bị vệ sinh sạch sẽ, thiết bị PCCC gọn gàng, thái độ phục vụ của các tiếp viên khá thân thiện và cởi mở.

Di chuyển về vị trí được sắp xếp trên vé, phóng viên ghi nhận được những toa tàu đã mang vóc dáng khá hiện đại, điều hòa mát lạnh, sàn tàu, những tấm kính ô cửa sổ sạch sẽ. Phòng vệ sinh và khu rửa mặt được bố trí ngăn nắp, nhân viên thường xuyên lau chùi gọn gàng, cung ứng vật dụng cần thiết như giấy, xà phòng, nước, máy sấy tay, thùng rác, gương, lavabo sạch sẽ. Có bảng thông tin vệ sinh theo giờ, theo ca từng nhân viên, ghi rõ tên nhân viên…

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Tiếp viên Đoàn Thị Thảo trên tàu Thống nhất SE6

Trên chuyến tàu, chúng tôi gặp gỡ hai tiếp viên khách vận Đoàn Thị Thảo và Hà Thị Vệ. Nhân viên Đoàn Thị Thảo phụ trách toa xe số 7 còn Hà Thị Vệ phụ trách toa số 8. Cả hai nhân viên đều có thái độ thân thiện, nhiệt tình với hành khách, thực hiện tốt các qui trình của ngành đường sắt đề ra đối với tiếp viên khách vận trên tàu khách. Qua tìm hiểu, được biết tiếp viên Đoàn Thị Thảo sinh năm 1986, gia đình sinh sống tại Hà Nội. Chị Thảo vào ngành đường sắt từ năm 2009, có chồng làm cùng doanh nghiệp, hiện gia đình Thảo có hai con còn nhỏ.

Khi được hỏi về công việc và gia đình, chị cho biết: “Công việc là tiếp viên phục vụ, đón khách, tiễn khách, vệ sinh toa tàu, đảm bảo an toàn sạch sẽ toa mình phụ trách. Do công việc thường xuyên phải di chuyển nên cũng thường phải xa nhà, xa gia đình. Có những năm không có Tết vì trùng lịch đi làm. Các con nhỏ có phần thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nhưng các cháu được ông bà ngoại chăm sóc, lo cho học hành, nên cũng thấy yên tâm làm việc. Tuy các con có phần thiệt thòi về tình cảm so với những gia đình khác nhưng ngày nay công nghệ thông tin phát triển nên các cháu hàng ngày vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi học hành với bố mẹ qua Zalo”.

Còn tiếp viên Hà Thị Vệ cũng sinh năm 1986, vào ngành đường sắt cuối năm 2006, quê và gia đình hiện ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Sau mỗi lần xuống ban chị lại di chuyển hàng trăm cây số về với gia đình, đến ngày đi làm lại đi từ đầu tỉnh Phú Thọ xuống Hà Nội để nhận ban. Tuy công việc và cuộc sống có phần vất vả nhưng tiếp viên Hà Thị Vệ luôn yêu công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên đoàn tàu...

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Tiếp viên Hà Thị Vệ trên tàu SE6.

Tại toa số 3, chúng tôi trò chuyện cùng anh Trần Thanh Hải, sinh năm 1978, quê Thanh Hóa, là tiếp viên phụ trách toa. Nói về công việc, anh cho biết đã vào ngành đường sắt được gần 20 năm, cơ duyên đến với nghề là do bố mẹ làm trong ngành nên dẫn dắt anh vào. Lương chỉ đủ nuôi sống gia đình, nhưng vì đam mê, anh đang làm tốt nhiệm vụ và cảm thấy hài lòng với công việc. Anh cho biết: “Nhiệm vụ chính trên tàu là đón khách, tiễn khách và phục vụ các nhu cầu của hành khách, vệ sinh toa mình phụ trách. Khi trực tàu vào đêm thì không ngủ, ngồi ghế trực nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hành khách, thường xuyên kiểm tra khách nằm đúng chỗ, đúng toa, đi đến đúng nơi, và đảm bảo an toàn cho hành khách. Sau mỗi chuyến đi, tiếp viên trực toa lại thay toàn bộ chăn, ga, gối, dọn dẹp vệ sinh phòng, lau chùi cửa kính, vệ sinh toilet, bổ sung giấy, xà phòng rửa tay và các vật dụng cần thiết của toa mình phụ trách. Những thiết bị nào hỏng hóc thì báo để kỹ thuật sữa chữa...”.

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Tiếp viên Trần Thanh Hải lau dọn toa tàu mình phụ trách

Trưởng tàu khách SE6 Phạm Hồng Thành, người đã có 25 năm năm hoạt động trong ngành đường sắt, gia đình anh có truyền thống “cha truyền con nối”. Anh vào đường sắt từ năm 2000 đến 2014 thì làm trưởng tàu. Nói về nhiệm vụ phục vụ hành khách, anh cho biết: “Tổ tàu luôn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng hành khách. Trên tàu luôn bố trí một nhân viên chuyên trách vệ sinh xuyên suốt cả quá trình. Tiếp viên luôn làm việc theo nguyên tắc, tàu rời ga, tiếp viên vào giới thiệu tên, phụ trách toa, giới thiệu trang thiết bị, số điện thoại để trên bàn, sẵn sàng phục vụ hành khách khi có nhu cầu. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh ngoài thông báo thông tin hành trình cho hành khách, mở thêm bài tuyên truyền Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt sau khi sát nhập để cho người dân biết về ngành”.

Cảm nhận mặt được và chưa được trên những chuyến tàu lửa Bắc Nam -0
Tổ trưởng Tổ phục vụ đến từng vị trí hành khách để phục vụ ăn uống

Một điều đáng ghi nhận nữa trên tổ tàu SE6 – đó là công tác phục vụ ăn uống. Tổ phục vụ trên chuyến SE6 này làm việc khá khoa học, đồ ăn thức uống sạch sẽ, vệ sinh an toàn, nhân viên đến tận từng vị trí của khách để phục vụ chu đáo nên hành khách rất hài lòng...

Và những điều chưa được

Tuy nhiên, không phải đoàn tàu nào cũng được vệ sinh sạch sẽ và việc phục vụ, đón tiếp, vận hành trên các toa tàu còn nhiều điều khiến hành khách ái ngại. Chẳng hạn, đoàn tàu SE11 hôm chúng tôi đi là một đoàn tàu với trang thiết bị cũ, các toa tàu vừa cũ kỹ vừa có gam màu rất tối, nên nhìn các toa lúc nào cũng như “ngâm nước”. Có lẽ vì toa tàu cũ nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lao động của các tiếp viên khách vận khiến thái độ của họ cũng “nhàn nhạt”...  

Chúng tôi nhận thấy, nhiệm vụ của nhân viên phát thanh trên tàu cần phải chấn chỉnh. Có thể nói đây là khâu còn rất yếu trên các chuyến tàu. Trong thời đại “công nghệ số”, nhân viên phát thanh ngoài việc nhắc nhở về giờ tàu, về nội qui trên tàu... thì việc tuyên truyền về quê hương đất nước đâu có gì khó khăn (nội dung có thể cọp sẵn trong USB hoặc thẻ nhớ). Trước đây, khi tàu SE đi qua địa phận các tỉnh, thành thì tàu phát bản nhạc về địa phương đó, tạo nên không khí hứng khởi song lâu nay việc này lại bị… bỏ quên!

Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ thông tin cho hệ thống phát thanh không chỉ có tác dụng cho khách đi tàu biết về qui định của đường sắt khi đi tàu mà phát thanh còn làm vui lòng hành khách, giúp cho hành khách hiểu hơn về đường sắt Việt Nam, cho hành khách biết về các điểm du lịch cần khám phá, biết về văn hóa và lịch của quê hương đất nước và con người Việt Nam... Nhưng khâu này đang yếu, như trên tàu SE11, trưởng tàu vừa nhắc trực tiếp, vừa gọi điện thoại nhắc đến 3 lần mới thấy phát thanh nhưng cũng rất “tiết kiệm và tẻ nhạt”. Tàu SE6 có phát thanh nhưng cũng “rập khuôn” khô cứng, thiếu sự tinh tế để thu hút tình cảm của du khách với đoàn tàu.

Khi đến các ga tàu đỗ lại, lẽ ra cần có phát thanh thông báo rõ để khách xuống ga thì nhiều đoàn tàu lại “bỏ quên”, thay vào đó là nhân viên đến buồng tàu gọi. Thực tế, việc phát trên loa là cần thiết không chỉ với hành khách cần xuống tại ga đó mà cả đối với khách đi chặng dài, để họ nhận biết tàu đang đi, đến ga nào. Nếu cho rằng, nếu phát thanh trên loa sẽ khiến khách mất ngủ là không hợp lý bởi khách đi tàu với tiếng ồn dọc đường, ít ai có thể ngủ sâu và tiếng phát từ loa cũng chưa là gì so với âm thanh, rung chấn khi tàu di chuyển.

Ngoài những đoàn tàu được đầu tư để hút khách thì nhiều đoàn tàu khâu vệ sinh còn kém, khiến hành khách vẫn ám ảnh. Thêm nữa, việc các toa tàu không có hệ thống chỉnh điều hòa ở từng buồng khiến nhiều toa để nhiệt độ rất lạnh, khách nằm co ro nhưng không biết xử lý thế nào, không biết gọi ai khi về đêm các nhân viên phục vụ toa cũng đi ngủ.

Trong dịp mùa Đông vừa rồi, chúng tôi từng đi tàu SE từ Hà Nội, khi lên tàu có vỏ chăn mỏng, đến đêm toa tàu để điều hòa quá thấp khiến trong buồng ai cũng rét co ro nhưng mở cửa thì không thấy ai để hỏi, có vị khách loay hoay tìm nút bấm trong buồng nhưng chỉ có… nút đèn!

Về giá vé, có thể nói đây vẫn là “điểm nghẽn”. Vào các ngày thường, giá vé ở mức vừa phải nhưng cũng cao hơn vé ô tô giường nằm. Chẳng hạn, tàu SE11 xuất phát khung giờ 21h20 từ ga Hà Nội đi Vinh có giá vé giường nằm tầng 1 (loại buồng 4 giường) là 610.000 đồng. Mức giá này cao gấp 1,5-2,5 lần so với vé xe ô tô giường nằm chặng Hà Nội – Vinh (từ 250.000 đến 400.000 đ tùy loại giường). Còn vào dịp ngày lễ như 30/4, 1/5, giá vé cao hơn hẳn và cũng rất khó mua. Đây là điểm trừ khiến tàu hỏa chưa thể cạnh tranh với vận tải đường bộ, nhất là đối với nguồn khách hàng kinh tế còn khó khăn như học sinh, sinh viên, công nhân, việc phải bỏ thêm chi phí cao hơn hẳn ô tô là một vấn đề không dễ dàng. Chưa kể hiện vận tải đường bộ đã được rút ngắn rất nhiều do các tuyến cao tốc hình thành, trong khi đường sắt vẫn chừng đó khung giờ, khó thể rút ngắn hơn.

Về giờ tàu, trước đây thường có chuyến tàu SE xuất phát muộn nhất trong ngày từ ga Hà Nội lúc 23h, đây là khung giờ rất thuận lợi để khách thu xếp các công việc, ăn tối… chuẩn bị trước khi ra tàu. Tuy nhiên, hiện khung giờ này đã bỏ, chỉ còn chuyến SE11 xuất phát lúc 21h20 khiến hành khách gặp khó.

Và nữa là công tác chào đón khách, chào ga tới ga đi... Đây là một nét đẹp văn hóa nhưng có lẽ còn bị bỏ trống. Hoặc có thực hiện cũng chưa tạo được môi trường gần gũi thân thiện. Mỗi lần tàu vào ga thì chỉ có phó tàu khách cầm đèn (hoặc cờ) để tác nghiệp hoặc khi tàu xuất phát rời ga cũng chỉ có trực ban chạy tàu phất phất cờ hiệu nhìn cũng đơn điệu... Giá như khi đoàn tàu từ từ dừng tại sân ga thì trên tất cả các cửa ra vào phía cuối toa tàu có một vài tiếp viên khách vận giơ tay vẫy chào đón với nụ cười thân thiện thì có lẽ tạo cảm giác thân thiện hơn và tình nghĩa. Nề nếp văn hóa này vận tải khách hàng không và đường biển đã thực hiện từ lâu và được hành khách yêu quí nhưng với đường sắt thì lại không có. Duy trì thường xuyên nét đẹp văn hóa không chỉ là lập trình của một chuyến tàu, mà chính nó là cốt cách mang ý nghĩa của “văn hóa doanh nghiệp” - để củng cố và phát triển hoạt động của doanh nghiệp ngày một đi lên...

Nguồn: https://cand.com.vn/Xa-hoi/cam-nhan-mat-duoc-va-chua-duoc-tren-nhung-chuyen-tau-lua-bac-nam-i765619/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm