Việc cấm xe máy chạy xanh lưu thông trong Vành đai 1 là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Nga) |
Hướng tới một tương lai xanh hơn
Ngày 12/7, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn. Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình, đến ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 và thực hiện các lộ trình tiếp theo.
Hiện TP. Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại hoạt động. Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy, khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trong tổng số 6,9 triệu xe máy của thành phố và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn, có đến 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng, xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocacbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông.
Theo ông Đào Việt Long, đây là con số đáng lo ngại. Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm.
Việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội, mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông.
Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh thời gian tới.
Quyết định cấm xe máy xăng hoạt động trên Vành đai 1 Hà Nội từ năm 2026 không chỉ là một thay đổi trong chính sách giao thông mà còn là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô, hướng tới một tương lai xanh hơn và chất lượng sống tốt hơn.
Xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại
Chuyển đổi sang giao thông xanh, sử dụng phương tiện ít phát thải hoặc không phát thải đang là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại trên thế giới, không chỉ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hà Nội, với mật độ dân số và phương tiện giao thông lớn, đang chịu áp lực nghiêm trọng từ tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tắc nghẽn giao thông. Do đó, việc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn.
Một tương lai giao thông xanh sẽ không thể hình thành nếu thiếu vắng sự tham gia chủ động, tích cực từ người dân. (Ảnh: Nguyễn Nga) |
Không dừng lại ở tác động môi trường, chính sách này còn mở ra cơ hội để thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như công nghiệp xe điện, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số trong giao thông vận tải.
Khi được triển khai đúng hướng, đây có thể trở thành đòn bẩy giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Hơn nữa, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải, từ quản lý hạ tầng đến các ứng dụng thông minh cho người dùng, cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một chính sách dù đúng đắn đến đâu cũng không thể thành công nếu thiếu đi sự đồng thuận và điều kiện thực thi phù hợp. Xe điện – giải pháp thay thế được kỳ vọng hiện vẫn còn không ít rào cản, đặc biệt là về chi phí, khả năng tiếp cận và hệ thống hạ tầng như trạm sạc, bảo trì, bãi đỗ…
Nếu không giải quyết thỏa đáng, người dân, nhất là những đối tượng thu nhập thấp có thể sẽ bị đặt vào thế khó. Muốn chính sách thành công, cần có những giải pháp đồng bộ và phù hợp để giải quyết những thách thức này.
"Một tương lai giao thông xanh sẽ không thể hình thành nếu thiếu vắng sự tham gia chủ động, tích cực từ người dân. Chính quyền phải là người đồng hành đáng tin cậy, lắng nghe, hỗ trợ và đặt con người làm trung tâm trong mọi hoạch định. Cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể như trợ giá xe điện, phát triển hạ tầng sạc điện, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của giao thông xanh". |
Những quốc gia đã thành công trong quá trình chuyển đổi giao thông đều bắt đầu bằng một lộ trình hợp lý. Đó là, đầu tư mạnh cho giao thông công cộng, trợ giá xe điện, đồng hành với người dân chứ không đơn thuần áp đặt. Hà Nội cũng cần hướng tới sự đồng bộ giữa chính sách, hạ tầng, truyền thông và lợi ích người dân. Trước hết, phải tập trung hiện đại hóa hệ thống xe bus, tàu điện; đồng thời phát triển mạng lưới kết nối thân thiện cho xe đạp, người đi bộ.
Bên cạnh đó, việc triển khai cần gắn với hệ thống đánh giá hiệu quả cụ thể, minh bạch, dựa trên các chỉ số như thời gian di chuyển trung bình, chất lượng không khí, mức độ hài lòng của người dân, tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng… Những dữ liệu này không chỉ là thước đo thành công, mà còn là cơ sở để điều chỉnh chính sách kịp thời, linh hoạt.
Theo nhiều chuyên gia, chính sách hạn chế phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội là một bước đi đúng hướng nhằm cải thiện môi trường và chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, để chính sách này thành công và đi vào đời sống một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải thay đổi từ tư duy "cấm đoán" sang "tạo điều kiện".
Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Đại Hoàng, Admin diễn đàn Otofun cho rằng, Chỉ thị 20 là chủ trương đúng, không chỉ giảm phát thải, mà còn tác động đến lưu thông trong phố khi hiện tại, lượng xe máy lưu thông trong nội đô rất đông. Chuyển đổi sang phương tiện công cộng sẽ tốt hơn nhiều, giúp tái quy hoạch lại thành phố, như nhiều cơ quan có thể nghĩ đến việc chuyển trụ sở ra ngoài Vành đai 2, Vành đai 3...
“Đó là những tác động có tính lâu dài. Tuy nhiên, chính sách đúng nhưng phương thức triển khai, tác động như thế nào đến người dân là điều chúng tôi rất quan tâm”, ông Nguyễn Đại Hoàng nói.
Như vậy, việc cấm xe máy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội là một khởi đầu, nhưng thành công của nó sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ và sự đồng lòng của cả chính quyền và người dân. Nếu được thực hiện một cách khéo léo và có chiến lược, chính sách này sẽ không chỉ giải quyết vấn đề giao thông và môi trường mà còn giúp Thủ đô phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cam-xe-may-chay-xang-tren-vanh-dai-1-ha-noi-xu-huong-tat-yeu-cua-do-thi-hien-dai-buoc-ngoat-huong-toi-giao-thong-xanh-322000.html
Bình luận (0)