Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần giải pháp dài hạn để ứng phó chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

Các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ sẽ tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại Bình Dương – trung tâm công nghiệp và xuất khẩu lớn của cả nước. Trước tình hình này, Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương đã có những kiến nghị cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp05/04/2025

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Far Eastere tại KCN Vsip 1 Bình Dương. Ảnh Hải Âu/TTXVN

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, cho biết: "Doanh nghiệp xuất khẩu tại Bình Dương đang đối mặt với áp lực lớn từ việc Hoa Kỳ siết chặt chính sách thuế quan. Để duy trì và phát triển thị trường này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ có những động thái mạnh mẽ hơn trong đàm phán thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi cung ứng để phù hợp với quy định mới".

Hiệp hội cũng đề xuất thành lập Tổ công tác xử lý rào cản thuế quan để cung cấp thông tin kịp thời và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. "Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ nguồn lực để tự mình nghiên cứu và ứng phó với các biện pháp thuế quan từ phía Hoa Kỳ. Do đó, một nhóm chuyên trách sẽ giúp họ có hướng đi rõ ràng hơn", ông Xô nhấn mạnh.

Cùng vớiđó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là giải pháp quan trọng. Ông Xô cho rằng doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ mà cần mở rộng sang các thị trường như EU, Nhật Bản và Trung Đông. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các cơ quan thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan", ông Xô đề xuất.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và tránh bị áp thuế cao do các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, Hiệp hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu trong nước. "Doanh nghiệp cần hướng đến việc sử dụng ít nhất 50-60% nguyên liệu nội địa để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu và đáp ứng tốt hơn yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu", ông Xô khuyến nghị.

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, ngành dệt may cũng không nằm ngoài ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dươngcho biết: "Các doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để thích ứng với tình hình mới. Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp tối ưu hóa nguồn cung ứng và chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa".

 

Theo một số doanh nghiệp dệt may, một trong những thách thức lớn hiện nay là nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi một số mặt hàng có thể bị áp thuế cao khi xuất sang Hoa Kỳ. Giải pháp là tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước trong khu vực ASEAN hoặc các nước có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, Hiệp hội Dệt may Bình Dương cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Thị trường EU và Nhật Bản đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng để tận dụng được, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững mà các thị trường này yêu cầu.

Để thích ứng trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng, cải tiến sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế, các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống tự động hóa, cải tiến quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc số hóa hoạt động kinh doanh và sử dụng nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng và tiếp cận khách hàng toàn cầu dễ dàng hơn.

Cũng theo ông Phạm Văn Xô mặc dù thuế quan mới của Hoa Kỳ tạo ra những áp lực lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu trong chuỗi cung ứng và mô hình sản xuất. Việc đánh giá lại chiến lược xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để Chính phủ và doanh nghiệp cùng phối hợp điều chỉnh chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sản xuất trong nước. Những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, chủ động thay đổi sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ hơn sau các biến động thương mại. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu Việt Nam có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ bài bản, tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thì không chỉ ứng phó tốt với chính sách thuế của Hoa Kỳ mà còn khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.

 

Trước những biến động về chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ, cả Hiệp hội Xuất nhập khẩu và Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương và cộng đồng doanh nghiệp đều có chung quan điểm rằng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc thích ứng. Bên cạnh những đề xuất cụ thể với Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng nhiều biến động.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/can-giai-phap-dai-han-de-ung-pho-chinh-sach-thue-quan-cua-hoa-ky/20250405013311554


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm