Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND (28/7/2017) về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”, đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành chủ trì để hình thành 6 trung tâm logistics trong toàn tỉnh, bao gồm: Khu vực TP Hạ Long; khu vực Vân Đồn - Cẩm Phả; Khu vực TX Quảng Yên; Khu vực TP Móng Cái; Khu vực huyện Hải Hà; Khu vực huyện Bình Liêu.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, cho biết: Đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, chăm sóc nhà đầu tư, thành lập và kiện toàn bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk), bộ phận hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc (Korea Desk) để đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án, bao gồm các dự án cảng biển, logistics từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư các dự án cảng biển, logistics, như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, Vina Comex, Đông Dương Group…
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch đối với 4 dự án hạ tầng logistics, bao gồm: Dự án bến cảng tổng hợp tại Hòn Nét - Con Ong; cụm cảng, bến thủy nội địa dọc sông Đá Bạch; khu dịch vụ và trung tâm thương mại cửa khẩu Bắc Phong Sinh; bến cảng Mũi Chùa; dự án trung tâm logistics thuộc KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn.
Đặc biệt, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của tỉnh, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 tại TP Móng Cái đã được Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh triển khai đầu tư rất tích cực. Hiện dự án đã thi công đạt 85% phần san lấp bãi tập kết hàng hóa đợt 1, thi công đạt 93% phần cầu cảng giai đoạn 1, thi công xong trạm biến áp 560KVA/0,4KV và đóng điện.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Để hỗ trợ tích cực cho chủ đầu tư, UBND TP Móng Cái thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt liên quan đến vấn đề nguồn vật liệu san lấp, từ đó báo cáo tỉnh để có biện pháp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ dứt điểm. Để đảm bảo đồng bộ cho dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh cũng đã dành nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho TP Móng Cái đầu tư tuyến đường kết nối cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với cảng Vạn Ninh. Dự án này cũng đang chuẩn bị hoàn thành, thúc đẩy hoạt động logistics qua cảng và địa bàn Móng Cái.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả), phục vụ đắc lực cho hoạt động logistics. Dự án này đã được các đơn vị liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng, được xác định là cảng biển nhóm 1 có nhiều lợi thế vượt trội so với các cụm cảng khác ở khu vực phía Bắc. Với luồng nước từ -7m đến -13,4m, khu vực này ít bị tác động của sóng lớn do nằm trong Vịnh Bái Tử Long và ít bị sa bồi, thuận lợi cho việc bốc xếp, chuyển tải hàng hóa. Cảng Con Ong - Hòn Nét nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Dự kiến, cảng Con Ong - Hòn Nét có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí; đón tàu trọng tải từ 100.000-200.000 tấn hoặc lớn hơn vào làm hàng. Để tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ triển khai dự án cảng Con Ong - Hòn Nét, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng với Quốc lộ 18 và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong thời gian tới đây, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư củng cố và phát triển hệ thống kho bãi gắn với quy hoạch hệ thống cảng, đặc biệt là các cảng quy mô lớn; đồng thời phát triển hệ thống kho lạnh để dự trữ nguyên liệu đầu vào đến các nhà máy sản xuất và đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất nhập khẩu trọng yếu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đồng thời có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong mạng lưới phân phối, trung chuyển hàng hóa quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cai-thien-manh-me-ha-tang-logistics-3351669.html
Bình luận (0)