NƠI GỬI GẮM NIỀM TIN
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý ra đời cùng với sự hình thành Trường Lăng (ở thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý) - lăng Ông đầu tiên của người Việt tại Quy Nhơn vào đầu triều Nguyễn. Trường Lăng được thành lập muộn nhất là năm 1815, thời điểm tổ chức lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý đầu tiên. Năm 1839, làng chài Xương Lý, dân địa phương gọi là Vũng Nồm, được lập địa bạ chính thức (nay gồm các thôn Lý Chánh và Lý Hòa, xã Nhơn Lý). Cũng trong năm này, hương chức làng chọn vị trí linh thiêng để tái thiết, xây dựng lăng Ông Nam Hải tại triền núi Đơn (thuộc thôn Lý Chánh) rồi đưa tất cả hài cốt cá Ông từ Trường Lăng về đây và tổ chức lễ nghinh thần, rước từ Trường Lăng về lăng Ông Nam Hải mới.
Lăng Ông Nam Hải, nơi tổ chức lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
ẢNH: HẢI PHONG
Theo các cụ cao niên ở làng chài Xương Lý, cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng… - PV) thường được ngư dân gọi bằng nhiều tên khác nhau, như: ông Nam Hải, ông Khơi, ông Lớn, ông Cậu, ông Kiềm, ông Sanh… Mỗi khi ngư dân đi biển gặp nạn, thường được cá Ông đến cứu. Nhiều câu chuyện được dân gian truyền miệng rằng khi có bão tố, cá Ông tựa lưng vào mạn thuyền, giúp thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ. Khi ngư dân rơi xuống biển, cá Ông dùng lưng dìu vào bờ… Vì vậy, ngư dân tôn thờ cá Ông là thần ngư Nam Hải, cầu mong cá Ông che chở trên biển. Mỗi khi có xác cá Ông trôi dạt vào bờ, ngư dân làm lễ an táng, thờ cúng rất trang trọng.
Theo dòng chảy thời gian, cùng với nghi thức thờ cúng cá Ông, ngư dân làng chài Xương Lý đã phát triển nhiều nét văn hóa đặc trưng vùng biển. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là sự kiện trọng đại hằng năm của ngư dân, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được giữ gìn và phát huy, lan tỏa trong cộng đồng. Lăng Ông Nam Hải tại núi Đơn được xem chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư làng Xương Lý. Đây là nơi gửi gắm niềm tin, cầu sự giúp đỡ của thần ngư Nam Hải và những hoạt động mang tính truyền thống của vạn đầm.
Biểu diễn nghệ thuật hát bả trạo tại hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý
ẢNH: M.H
Thế hệ cộng đồng dân cư làng Xương Lý cũng tỏ lòng thành kính, tri ân với các cụ cao niên, uy tín đã được bà con ngư dân bầu làm chánh đầm. Họ là những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt để giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể cho con cháu ngày nay. Chánh đầm là người chịu trách nhiệm trước ngư dân và nghiệp hộ trong việc đối nội, đối ngoại của vạn đầm. Chánh đầm cùng với nghiệp hộ (đại biểu giới nghề) xây dựng hương ước, giới hạn việc làm cho từng giới nghề, từng loại nghề trên vùng hải phận địa phương trên tinh thần đoàn kết, tôn trọng pháp luật.
SỰ HÒA QUYỆN, KẾT NỐI GIỮA HIỆN TẠI VÀ QUÁ KHỨ
Cụ Dương Văn Thơm (74 tuổi, ở thôn Lý Chánh), người trông coi lăng Ông Nam Hải, cho biết lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và gắn liền với ngư dân, nghề biển. Hằng năm, lễ hội chính thức tổ chức trong 3 ngày - mùng 9, 10 và 11 tháng giêng. Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý diễn ra theo nghi lễ cổ truyền, gồm: Lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tỉnh sinh, tế cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt hải sản được mùa... Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: biểu diễn bả trạo, hát bội, chèo thuyền, bơi thúng, đánh bài chòi và các trò chơi dân gian khác. Hiện nay, lễ hội được kéo dài nhiều ngày để tổ chức các hoạt động dân gian và biểu diễn nghệ thuật.
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
ẢNH: M.H
Theo ông Thơm, lễ hội là một hồi ức thuật lại những hoạt động hằng ngày của ngư dân trên biển, từ đánh bắt hải sản cho đến cách sinh hoạt của người dân, cả những lúc chống chọi với thiên tai, bão lũ, là nét đẹp trong lao động mà người dân nơi đây luôn tự hào khi nhắc tới. Lễ hội là sự hòa quyện, kết nối giữa hiện tại và quá khứ, càng ý nghĩa hơn bởi đó là hơi thở, là nhịp đập từ trong quá khứ vọng về hiện tại. "Đối với ngư dân hai thôn Lý Chánh và Lý Hòa, lễ hội cầu ngư cũng giống như một cái tết cổ truyền thứ hai nối tiếp sau Tết Nguyên đán. Họ trông chờ và gác lại mọi công việc để cùng nhau chuẩn bị và tham gia lễ hội một cách hăng say và trách nhiệm", ông Thơm nói.
Ông Nguyễn Kim Chức (thành viên vạn đầm Xương Lý) là nghệ nhân thực hành, truyền dạy nghi thức tín ngưỡng lễ hội truyền thống của vạn đầm. Ông cho biết vạn chài ghi nhớ công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân, nhà nghiên cứu… đã có công sáng tạo, lưu giữ và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý để thế hệ hậu sinh được thừa hưởng thành quả di sản quý giá.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý thể hiện rõ sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, lan tỏa giá trị văn hóa trong tương lai qua các hoạt động. Từ trạm dừng chân của con đường tơ lụa trên biển, đến nay, vạn chài mang nhiều trầm tích văn hóa và ngư dân luôn thể hiện trách nhiệm gìn giữ và phát huy.
"Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là một biểu tượng của sự bảo tồn và phát triển bền vững không chỉ riêng vùng đất Quy Nhơn mà còn lan tỏa trong không gian văn hóa của toàn tỉnh Bình Định", ông Hoàng nói. (còn tiếp)
Ngày 7.2.2025, tại xã Nhơn Lý, UBND TP.Quy Nhơn (Bình Định) phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý. Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý đã được Bộ VH-TT-DL ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ngày 10.12.2024.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-le-hoi-cau-ngu-co-tu-thoi-nguyen-185250404230942239.htm
Bình luận (0)