Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Với người trưởng thành tại Việt Nam, cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp. Một phần ba trong số đó không biết bản thân tăng huyết áp và một phần ba biết nhưng chủ quan không điều trị, để lại nhiều biến chứng đáng tiếc.

Báo Giao thôngBáo Giao thông02/04/2025

Đột quỵ não do tăng huyết áp

Nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, nói khó, anh N.V.T (46 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp nhưng điều trị không thường xuyên.

bien-chung-cua-tang-huyet-ap

Một ca đột quỵ do biến chứng từ tăng huyết áp

Kết quả chiếu chụp tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bệnh nhân bị chảy máu não và có chiều hướng tiến triển nặng, nguy cơ cao xảy ra các rối loạn khác. Sau nhiều ngày được điều trị tích cực tại Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân dần hồi phục, có cơ hội xuất viện.

Cách đây 2 năm, trong lần khám sức khỏe tại cơ quan, anh phát hiện tăng huyết áp, tuy nhiên uống thuốc theo đơn được nửa năm thấy ổn định nên dừng thuốc và cũng không lưu ý khám lại.

Không như anh T, bà P.L (65 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tê yếu chân tay, liệt nửa bên người.

Tại bệnh viện, bà được chẩn đoán đột quỵ và huyết áp đo được tăng đến 200/100 mmHg. Người nhà cho biết, trước nhập viện bà L chưa từng biết mình huyết áp cao.

Trường hợp bà L nhờ phát hiện sớm và nhập viện trong "giờ vàng", nên được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết qua đường truyền tĩnh mạch. Sau 1 ngày, các triệu chứng được cải thiện tốt.

Không may mắn, chàng trai trẻ T.T.K (23 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã phải gắn mình với việc chạy thận nhân tạo hơn 6 tháng nay. K cho hay, vài tháng trước khi nhận kết quả suy thận giai đoạn cuối, K thường xuyên đau đầu, xây xẩm mặt mày.

Đi khám, K được phát hiện huyết áp tăng rất cao, khoảng hơn 180 mmHg và được khuyên nhập viện theo dõi.

Tuy nhiên, chính sự chần chừ nhập viện khiến K bỏ lỡ cơ hội điều trị. K nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán suy thận giai đoạn 5, phải chạy thận lọc máu cách ngày và dùng thuốc để ổn định huyết áp.

Triệu chứng không rõ ràng

BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người chủ quan hoặc rất ít theo dõi chỉ số huyết áp.

Bên cạnh đó, việc lười vận động, thừa cân, béo phì, không chịu tập luyện hoặc ăn thức ăn nhanh, thức khuya, chịu áp lực trong công việc, đều là yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ nhưng lại ít chú ý...

"Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe, chỉ tới khi đột quỵ, vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền huyết áp, tim mạch…

Những bệnh nền này không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc nào đó bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ", BS Dũng cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Điều đáng quan ngại là tăng huyết áp thường không có triệu chứng đặc hiệu.

Có người có thể gặp các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, đỏ mắt, chảy máu cam... nhưng cũng có người không có triệu chứng rõ ràng.

Chính vì vậy, có trường hợp bỗng dưng một ngày bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao chót vót dù không có biểu hiện gì trước đó. Hay có bệnh nhân khi vào viện vì suy thận phải lọc máu mới ngỡ ngàng vì tình trạng huyết áp cao gây nên.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết thêm, các biến chứng của tăng huyết áp có thể diễn biến từ từ, âm thầm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều bộ phận cơ thể. Điển hình như biến chứng tại tim gây suy tim, phù phổi cấp, bệnh lý động mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực ổn định), rối loạn nhịp tim; gây đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não), xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, phình động mạch não.

Tăng huyết áp còn gây biến chứng thận, tổn thương thận cấp, suy thận mạn tính, tổn thương cầu thận; có thể gây biến đổi mạch máu ở đáy mắt gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, giảm hoặc mất thị lực; gây xơ vữa mạch máu các chi, tổn thương mạn tính động mạch chi dưới, chi trên.

"Các biến chứng của tăng huyết áp cũng có thể xuất hiện cấp tính diễn biến rất nhanh trong cơn tăng huyết áp cấp cứu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời như: Suy tim cấp, phù phổi cấp, lóc tách động mạch chủ...

Do vậy, nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", bà Hoài nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tim mạch, mỗi người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt sẽ giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ.

"Khi được chẩn đoán huyết áp và phải điều trị, nhiều người sau một thời gian thấy ổn định thì bỏ thuốc vì nghĩ bệnh đã khỏi, không phải dùng nữa. Tình trạng này rất phổ biến.

Cần ghi nhớ đây là bệnh điều trị suốt đời, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, người dân cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối; ăn nhiều rau, hoa quả; hạn chế rượu bia; không hút thuốc lá; vận động thể lực nhiều; duy trì cân nặng phù hợp", BS Hoài lưu ý.

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Khi đo huyết áp, người bệnh cần được ở trong điều kiện yên tĩnh và thư giãn.

Trong một số trường hợp đặc biệt, để chẩn đoán tăng huyết áp cần sử dụng đến các thiết bị theo dõi huyết áp liên tục như holter huyết áp 24h.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/canh-giac-voi-bien-chung-nguy-hiem-cua-tang-huyet-ap-192250331224654293.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm