Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Canh tác lúa giảm phát thải: Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một cuộc cách mạng canh tác đang diễn ra, hướng tới sự bền vững, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Dự án "Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL", do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chủ trì thực hiện, đang tạo ra những thay đổi tích cực.

Báo Long AnBáo Long An01/04/2025

Thực trạng và giải pháp

Thâm canh tăng vụ liên tục và tập quán canh tác truyền thống với việc gieo sạ dày, bón phân và phun thuốc hóa học quá mức đã dẫn đến chi phí tăng cao, suy thoái đất trồng, ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời như một giải pháp tiên tiến, đạt hiệu quả, bền vững và thân thiện môi trường lên hàng đầu.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Lê Quốc Thanh (thứ 2, trái qua) và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Phan Văn Tâm (thứ 3, phải qua) cùng các đại biểu tham quan, đánh giá ruộng canh tác lúa giảm phát thải thuộc dự án Khuyến nông Trung ương triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Phan Văn Tâm chia sẻ: "Dựa trên thành công của chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi triển khai dự án này với sự đồng hành của các trung tâm khuyến nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Dự án đã đạt những kết quả đáng tự hào, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính".

Hiệu quả kinh tế và môi trường

Dự án đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc giảm chi phí đầu tư. Lượng giống gieo sạ giảm từ 30-84 kg/ha, lượng phân bón giảm trung bình 34,8% đạm, 30% lân và 20% kali. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,81 lần, tương đương giảm 22% chi phí.

Các đại biểu tham quan, đánh giá giải pháp băm rơm kết hợp xử lý vi sinh để phân hủy nhanh thành phân bón hữu cơ tại ruộng, giúp giảm phát thải trong canh tác lúa

Việc áp dụng quy trình quản lý nước theo kỹ thuật ướt, khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước tưới và giảm phát thải khí N₂O. Tổng hợp các thành tựu này đã mang lại lợi nhuận tăng thêm 7,5 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt 159%, cao hơn 42% so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, tại HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), lợi nhuận đạt hơn 55 triệu đồng/ha và giảm phát thải hơn 13 tấn/ha CO₂ quy đổi.

Nông dân là trung tâm của sự thay đổi

Sự thành công của dự án có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và đặc biệt là sự chủ động của nông dân. Các lớp tập huấn, hội thảo đã giúp nông dân nắm vững kỹ thuật mới, từ quản lý nước, sử dụng phân bón hiệu quả đến quản lý dịch hại và rơm rạ sau thu hoạch.

Cánh đồng canh tác lúa giảm phát thải tại HTX Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) cho lợi nhuận tăng cao hơn 55,5 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân 2024-2025

Anh Lê Minh Khem, một nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng lo lắng nhưng sau khi được tập huấn kỹ, tôi thấy lúa ít sâu, bệnh, khỏe hơn, bón phân ít mà năng suất lại cao, lợi nhuận nhiều hơn".

Lan tỏa và tầm nhìn tương lai

Hiệu quả của dự án đã được lan tỏa rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông, tạo cảm hứng cho nhiều địa phương khác. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Lê Quốc Thanh nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì và nhân rộng mô hình, xây dựng các Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ nông dân.

Các đại biểu tham dự diễn đàn sơ kết Dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long" do Bình Điền làm chủ dự án

Dự án khuyến nghị mở rộng mô hình ra vụ Hè Thu 2025 và các vụ tiếp theo; đồng thời, tích hợp vào Đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu và lúa gạo phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ và thiết lập hệ thống MRV sẽ giúp nông dân tiếp cận chính sách tín chỉ carbon, mở ra cơ hội thu nhập mới từ nông nghiệp xanh.

Mô hình "Canh tác lúa giảm phát thải" không chỉ là một dự án kỹ thuật, mà còn là sự thay đổi trong tư duy canh tác, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững. Đây là bước đi quan trọng của Việt Nam trên hành trình xây dựng "gạo xanh - sống lành", nâng cao vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế./.

M.Đ

Nguồn: https://baolongan.vn/canh-tac-lua-giam-phat-thai-nang-tam-gia-tri-hat-gao-viet-a192709.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm