Từ hôm nay 1.7, các địa phương trên cả nước vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Đối với lĩnh vực giáo dục, từ hôm nay cũng có nhiều sự thay đổi khi không còn UBND và phòng GD-ĐT cấp huyện.
Để bảo đảm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục được thông suốt, Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương 2 cấp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
UBND cấp xã quản lý nhiều nội dung liên quan đến giáo dục từ mầm non đến THCS
ẢNH: T.MAI
Về cơ bản, những thẩm quyền, trách nhiệm liên quan tới giáo dục ở các cấp học từ mầm non, tiểu học tới THCS, trước ngày 1.7 là của chủ tịch UBND, UBND cấp huyện và phòng GD-ĐT cấp huyện, được chuyển giao cho chủ tịch UBND, UBND cấp xã.
Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS, do chủ tịch UBND cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT do chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện.
Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT do giám đốc sở GD-ĐT thực hiện.
Về tổ chức thực hiện quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS, thẩm quyền cấp giấy giới thiệu chuyển trường và tiếp nhận đối với cấp THCS do chủ tịch UBND cấp xã thực hiện.
Các nội dung chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền thực hiện gồm: thành lập trường mầm non, tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS; công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường đối với trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS.
Công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đối với trường mầm non, tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS loại hình tư thục; thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS, quyết định công nhận tốt nghiệp, công bố danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, tổ chức cấp phát bằng tốt nghiệp cho học sinh được công nhận tốt nghiệp.
Cấp xã quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm
UBND cấp xã cũng có thẩm quyền quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Thẩm quyền thành lập hội đồng tuyển sinh mầm non, tiểu học THCS, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, phê duyệt danh sách trúng tuyển (trừ các trường thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu) do chủ tịch UBND cấp xã thực hiện. Thẩm quyền chỉ đạo, quản lý công tác tuyển sinh từ mầm non đến THCS do UBND cấp xã thực hiện.
Trước đây, hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp cấp huyện do phòng GD-ĐT tổ chức cho các giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thì từ nay, hội thi sẽ do UBND cấp xã thực hiện.
Cụm từ "giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên" được thay thế bằng cụm từ "giáo viên dạy giỏi từ cấp xã trở lên", "giấy khen từ cấp xã trở lên" trong các bản mô tả vị trí việc làm của đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cap-xa-thanh-lap-truong-quan-ly-day-them-to-chuc-thi-giao-vien-gioi-18525070116281264.htm
Bình luận (0)