Theo bản đồ Trần Văn Học năm 1815, đối chiếu với thực địa hiện nay, cầu nằm gần khoảng giữa hai khúc quanh 90 độ đoạn đầu nguồn của rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM), tức khúc quanh từ rạch Bùng Binh (nay là đường Rạch Bùng Binh) đến khúc quanh cầu số 4 và 5 hiện nay.
Cụ thể hơn, vị trí cầu này có vẻ ở khoảng cầu số 6 và 7; giữa là cầu đường sắt vào ga xe lửa Sài Gòn (Hòa Hưng). Cặp đường rầy là hẻm 115 ra đường Lê Văn Sỹ hiện nay, tức cổng xe lửa số 6.
Bản đồ Gia Định năm 1815 do Trần Văn Học vẽ, Nguyễn Đình Đầu chú giải có đủ bốn cây cầu trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Hơi "lạ" vì toàn bộ sử liệu lẫn các bản đồ xưa không ghi nhận cây cầu nào ở vị trí này dù vị võ tướng, giám thành Trần Văn Học vẽ tấm bản đồ này theo lối vẽ khoa học phương Tây thời đó, khá chính xác. Lúc ấy, phương tiện đo đạc còn rất nhiều hạn chế và Sài Gòn lúc ấy vẫn là một vùng đất hoang sơ.
Tên Lão Hòa cũng là một tên cầu "lạ", gây phân vân với nhiều người quan tâm, kể cả với nhà nghiên cứu uyên thâm Nguyễn Đình Đầu. Trong tập Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859) (Nhà xuất bản Trẻ - 2023), trang 65, cụ viết: "Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, có ghi dấu Cựu lũy tức "Bán Bích cổ lũy" này, chi tiết đúng như Trịnh Hoài Đức đã tả, chỉ khác một địa danh là cầu Lão Huệ thì ghi là cầu Lão Hòa". Và cụ cũng phân vân: "Không biết bên nào đúng, hoặc giả có sự đổi tên chăng".
Năm 1882, nhà bác học Trương Vĩnh Ký cho ấn hành Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, trong đó ghi chú bốn cây cầu: "Bà Nghè (rạch Bà Nghè, cầu Bà Nghè) là ngã vô cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhiêu Lộc" (Gia Định phong cảnh vịnh - Nhà xuất bản Trẻ 2023, trang 19). Cầu Lão Hòa/Lão Huệ/(cầu) Huệ sau này đã được gọi là cầu Nhiêu Lộc?
Vị trí cầu Lão Hòa trên bản đồ Gia Định năm 1815 do Trần Văn Học vẽ, Nguyễn Đình Đầu chú giải
Tên cầu Nhiêu Lộc đã được ghi nhận ngay đầu thời Pháp thuộc. Tờ bản đồ "phân lô bán nền" đăng kèm thông báo trên tờ Courrier de Saigon 10.5.1864, ở vị trí bên ngoài con kinh Bao Ngạn theo dự tính đào theo quy hoạch, có một cây cầu bắc qua một con đường mòn (nay là đường Đặng Văn Ngữ). Vị trí này được đánh số 34 và ghi chú rõ (ghi nguyên văn); "Càu Nhieu Loc (près du fort de Chí-hòa): cầu Nhiêu Lộc (gần đồn Chí Hòa)". Đồn này nằm ở một trong hai góc nhọn khu vực cổng đại đồn Chí Hòa mà chúng ta đều biết.
Cũng trong bản đồ 1815, có một con đường chạy qua cầu, theo hướng đông bắc (Phú Nhuận) xuống tây nam (đường Thiên Lý, nay là Cách Mạng Tháng Tám). Con đường này trong bản đồ địa hình Hạt Tham biện thứ 20 và vùng phụ cận (Plan Topographicque 20 eme Arrondissement et ses environs) năm 1882 và 1885 vẽ rất rõ: chạy cặp một con rạch nhánh ăn ra rạch Nhiêu Lộc; với ghi chú "chemin vicinal" (hương lộ). Con lộ này thoạt đầu còn có một đoạn đường mòn (bản đồ vẽ ngắt quãng) đi qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay khu vực làng Tân Sơn Nhứt (Nhất) lên tới Hạnh Thông Tây. Sau đó chục năm, khi khu vực làng Tân Sơn Nhứt hình thành một số trang trại tư nhân, con đường cơ bản khoanh lại ở ngã ba Đặng Văn Ngữ - Nguyễn Trọng Tuyển như hiện nay.
Về cầu Lão Huệ, sách xưa ghi khá thống nhất:
Lê Quang Định viết năm 1806, có đoạn: "(Từ cầu Điếm đi) 347 tầm (một tầm khoảng 1.825 m), hai bên đường đều là vườn tược liền nhau, đến ngã ba, nhánh hướng nam đi 1.663 tầm thì đến cầu Lão Huệ" (Hoàng Việt nhất thống địa dư chí - Phan Đăng dịch - NXB Thuận Hóa 2005, trang 293).
Trịnh Hoài Đức viết khoảng năm 1820: "Sông Bình Trị (…) chảy về nam độ 4 dặm đến (cầu) Phú Nhuận, 6 dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đâu cũng có ao vũng tản mạn" (Gia Định thành thông chí, tập Thượng - Tu Trai Nguyễn Tạo dịch - Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa - Sài Gòn 1972, trang 40).
Quốc sử quán triều Nguyễn viết thời Tự Đức, vào nửa cuối thế kỷ 19, trong, ở phần "tỉnh Gia Định", mục Sơn xuyên viết về sông Bình Trị (Bình Trị Giang - tức rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay), ghi nhận 5 cầu, cụ thể (xin ghi nguyên tác, kể cả quy cách chính tả):
"Ở phía bắc huyện Bình-dương 6 dặm từ sông Bến-Nghé (tức sông Sài Gòn) qua cầu Ngang (cầu Thị Nghè?) rồi chảy ngược giòng 4 dặm đến cầu Cao-man (cầu Bông), chảy qua tây bắc 2 dặm đến cầu Chợ-Chiểu (?), chảy quanh về hướng đông 4 dặm đến cầu Phú-Nhuận (cầu Kiệu), 6 dặm đến cầu Huệ-kiều là chỗ cùng nguyên, nơi đâu cũng có những ao vũng tản mạn, tục gọi là Hậu-giang" (Đại Nam nhất thống chí, tập Thượng - Tu Trai Nguyễn Tạo dịch - Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục 1959).
Lưu ý: Một dặm người Việt dùng xưa, có tư liệu nói 444,44 m, có tư liệu là 576 m. Một tầm cũng không thống nhất, có tư liệu viết 1,825 m, có người nói khoảng 2,12 m, có tác giả nhân chia theo con số 2,48 m. Vì vậy, những số đo chỉ mang tính chất ước lượng, không nhất thiết đúng 100%. Và huyện Bình Dương xưa không phải tỉnh Bình Dương hiện nay mà là một huyện thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định trước thời Pháp thuộc. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/cay-cau-bi-an-tren-rach-nhieu-loc-thi-nghe-cay-cau-la-185250220214643569.htm
Bình luận (0)