Thời gian qua, tình hình mắc bệnh sởi ở trẻ em có nhiều diễn biễn phức tạp. Trước thực trạng bệnh có thể lan rộng, từ tháng 3/2025, tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng sởi trên toàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch, toàn tỉnh đã thành lập 190 đội, kíp tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn và tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí triển khai tiêm chủng chiến dịch; thiết lập 45 đội cấp cứu thường trực cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; bố trí 171 điểm tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế, 20 điểm tiêm tại các trường học, 8 điểm tiêm tại các phân trạm. Mục tiêu là đảm bảo 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin chứa thành phần sởi.
Tại khu tái định cư làng chài (khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long) là nơi sinh sống của nhiều ngư dân được di dời từ các làng chài lên bờ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên đi biển, việc tiêm chủng cho trẻ em tại đây chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng trong thời gian qua.
Bác sĩ Vương Thanh Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hà Phong, cho biết: “Hiện bệnh sởi chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, quan trọng nhất đối với trẻ em là phải tiêm phòng đầy đủ. Nhưng do đặc thù công việc, nhiều gia đình đã không cho con em mình đi tiêm hoặc tiêm không đầy đủ các mũi tiêm, vì vậy chúng tôi đã phải rà soát lại danh sách trên địa bàn, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đưa con em mình đến tiêm chủng kịp thời để tránh lây lan dịch bệnh”.
Bên cạnh việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng đề phòng chống dịch bệnh cho trẻ, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho trẻ. Trong đó, vitamin A là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện thị lực và hỗ trợ sự phát triển của trẻ em. Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh khô mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì thế, ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động khám sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt là triển khai các đợt bổ sung vitamin A tại các trạm y tế xã, phường.
Nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho trẻ em giai đoạn 2021-2025, các ngành của tỉnh cũng phối hợp tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Ngành Y tế tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại các trạm y tế và cộng đồng. Các cơ sở y tế thực hiện tốt quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Với các trường hợp sinh thường, thực hiện tư vấn để trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh tại trạm y tế có đỡ đẻ.
Ở các trạm y tế đều tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người và 3 tháng/lần/trẻ với trẻ em dưới 2 tuổi; triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi… Các trạm y tế cũng thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu sau sinh tại nhà, nhằm theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần đầu tại nhà.
Qua đó, chiến lược dinh dưỡng quốc gia trên địa bàn tỉnh được củng cố từ tỉnh tới xã. Tuyến tỉnh hiện có CDC Quảng Ninh; tuyến huyện có cán bộ chuyên trách của 13 huyện, thị xã, thành phố. 100% xã có cán bộ chuyên trách về dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cham-soc-va-phong-benh-cho-tre-em-3354836.html
Bình luận (0)