Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chạm vào hồn quê Việt qua 'Phác họa đình làng'

Bài thơ 'Phác họa đình làng' của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn không dụng công về nghệ thuật mà vẫn làm lay động lòng người bởi đã chạm được vào chốn thiêng liêng nhất của hồn quê Việt.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương03/04/2025

PHÁC HỌA ĐÌNH LÀNG

Mái đình cong vút nét mi
Ngói là tục ngữ, cột thì ca dao
Gạch sân lát cánh hoa đào
Tường vôi trát nắng trắng vào nghìn năm

Đi qua binh lửa thăng trầm
Dân cày chết trận xác nằm ngổn ngang
Gió hờ rưng rức khói nhang
Cây gạo đỏ mắt từng đàn quạ bay

Hội làng mở suốt đêm nay
Ăn no bụng trống, uống say giọng chèo
Mẹ già dệt lụa mái nghèo
Mầu ơi, cởi yếm mà theo Nô về

Vạn đời mẻ bát làm thuê
Nhất thời cưỡi ngựa vinh quy hồi làng
Chắp tay vái lạy thành hoàng
Chở che con cháu dù sang hay hèn

Trước đình trong vắt hồ sen
Hè sang đom đóm thắp đèn tìm duyên
Trẻ con đánh đáo, chơi chuyền
Áo nâu sờn rách vá lên tiếng cười

Hạt mưa lưu lạc xứ người
Dập vùi phố thị lại rơi mái đình
Chợ phiên họp giữa bình minh
Phải tôi chưa vợ, em rình bán cau.
HOÀNG ANH TUẤN


Trong số các nhà thơ đương đại, Hoàng Anh Tuấn là cây bút trẻ đa tài, giàu nội lực sáng tạo. Anh cũng là người luôn luôn đau đáu, nặng lòng với các giá trị truyền thống dân tộc. Thơ Hoàng Anh Tuấn thường mộc mạc, giản dị, nhiều ví von, so sánh gần với ca dao, dân ca nhưng lại mang nét hiện đại của cuộc sống hôm nay. Phải chăng đó cũng là cách đến hiện đại từ truyền thống.

Trong khi nhiều nhà thơ trẻ không mặn mà với thể thơ lục bát dân tộc thì Hoàng Anh Tuấn vẫn đều đặn có những sáng tác theo thể lục bát được nhiều người yêu mến. Có nhiều bài thơ lục bát của anh được các soạn giả chuyển thể thành những làn điệu hát văn, hát chèo khiến thơ anh đến với người đọc, người nghe bằng cả hai con đường thơ và nhạc. Trong những sáng tác tiêu biểu cho hướng đó có thể kể đến bài thơ "Phác họa đình làng".

Đã từ bao đời nay, nhất là với vùng quê Bắc Bộ, đình làng trở thành không gian văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của mỗi làng quê. Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã đi vào ca dao, dân ca như những gì thân thuộc nhất của mỗi làng quê. Đình làng vừa là không gian tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng, tổ nghề, các bậc tiền hiền lập làng, khai khẩn đất đai, vừa là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng nhất là mỗi dịp mùa xuân với hội làng cùng bao diễn xướng và các trò chơi dân gian. Bài thơ "Phác họa đình làng" của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã đem lại cho người đọc một cái nhìn khái quát về đình làng để mỗi người thêm trân trọng với những giá trị văn hóa của cha ông để lại.

Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh mái đình cổ kính quá đẹp: Mái đình cong vút nét mi/ Ngói là tục ngữ, cột thì ca dao/ Gạch sân lát cánh hoa đào/ Tường vôi trát nắng trắng vào nghìn năm. Đình làng từ bao đời cũng gắn bó với thăng trầm của mỗi làng quê, từ binh lửa chiến tranh, nghèo đói lam lũ nhọc nhằn một thuở. Đi qua năm tháng ngôi đình lại gắn với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng quê, vui nhất là dịp hội làng.

Đọc khổ thơ thứ ba người đọc cũng như được nhập vào những sinh hoạt vui tươi ấy của làng quê. Sau những ngày vất vả, người dân quê lại có những ngày thảnh thơi vui hội, những làn điệu hát chèo, hát đối lại ngân vang cùng tiếng đàn, tiếng trống rộn ràng.

Diễn viên của những vở chèo, canh hát lại chính là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng cũng không thua kém diễn viên chuyên nghiệp, vẫn những Thị Kính, Thị Mầu, anh Nô, xã Trưởng, mẹ Đốp… khiến người xem cười vỡ bụng: Hội làng mở suốt đêm nay/ Ăn no bụng trống, uống say giọng chèo/ Mẹ già dệt lụa mái nghèo/ Mầu ơi, cởi yếm mà theo Nô về.

Đình làng còn là không gian tín ngưỡng trong tâm thức người Việt, đó là nơi thờ thành hoàng của làng cùng các bậc tiên hiền, tổ các dòng họ trong làng. Vì vậy đình gắn với văn hóa tâm linh, gắn với tế lễ mỗi dịp xuân thu để con cháu cầu mong bình an mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Người đi xa dù sang, dù hèn cũng luôn luôn hướng về đình làng mong được che chở, bình yên: Vạn đời mẻ bát làm thuê/ Nhất thời cưỡi ngựa vinh quy hồi làng/ Chắp tay vái lạy thành hoàng/ Chở che con cháu dù sang hay hèn.

Bên cạnh đó, đình làng còn là không gian vui chơi của dân làng, nhất là với trẻ con. Hoàng Anh Tuấn đã phác họa không gian ấy bằng chính những trải nghiệm tuổi thơ mình với đánh đáo, chơi chuyền, câu ca, tắm ao, bắt đom đóm, đánh trận giả, trốn tìm… Bao trò chơi ấy vang lên tiếng cười mà trẻ con thời công nghệ này khó có được: "Trước đình trong vắt hồ sen/ Hè sang đom đóm thắp đèn tìm duyên/ Trẻ con đánh đáo, chơi chuyền/ Áo nâu sờn rách vá lên tiếng cười".

Kết thúc bài thơ bằng những hình ảnh ẩn dụ cho bao kiếp người xa quê như những hạt mưa lưu lạc mưu sinh phố thị để rồi một lúc nào đó lại trở về rơi mái đình làng, được trở về nguồn cội quê hương, trở về với những gì thiêng liêng, thân thuộc nhất trong mỗi con người. Ao ước được trở về tắm mát trong cội nguồn văn hóa làng quê nâng tầm triết lí của thi phẩm, như lời nhắc nhở mỗi người hãy biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

Hai câu kết bài thật giản dị nhưng mang bao hàm ý kín đáo mà duyên dáng, tình tứ như gợi lại những khúc hát giao duyên cửa đình một thuở: "Hạt mưa lưu lạc xứ người/ Dập vùi phố thị lại rơi mái đình/ Chợ phiên họp giữa bình minh/ Phải tôi chưa vợ, em rình bán cau".
Đọc "Phác họa đình làng" của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, tôi chợt nhớ đến những câu thơ sâu lắng trong bài thơ "Đình làng" của Văn Công. Có thể nói mỗi nhà thơ đã có những cách phác họa riêng của mình về mái đình để thêm trân trọng di sản của cha ông: Đình làng phơi nắng ngậm sương/ Ướp hồn quê những vô thường nghìn năm/ Làng nghiêng theo buổi trăng rằm/ Này na này lựu này tằm này dâu.
Bài thơ "Phác họa đình làng" của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn với ngôn từ giản dị, không có nhiều dụng công về nghệ thuật nhưng vẫn làm lay động lòng người bởi nó đã chạm được vào những gì thiêng liêng nhất của hồn quê Việt. Đọc bài thơ tôi càng thêm tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ không thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống, chỉ có điều họ đang có những cách lựa chọn khác nhau để lan tỏa những giá trị ấy đến rộng hơn với mọi người.

NGUYỄN QUỲNH ANH

Nguồn: https://baohaiduong.vn/cham-vao-hon-que-viet-qua-phac-hoa-dinh-lang-407607.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm