Mỗi tác phẩm là một lát cắt
Trong lĩnh vực điện ảnh, những bộ phim tài liệu từng gây tiếng vang có thể kể đến “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy), “Bác Hồ sống mãi” (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh), “Chúng con nhớ Bác” (đạo diễn Nguyễn Văn Thông), “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, “Bác đi chiến dịch” (đạo diễn Phạm Quốc Vinh), “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn Bùi Đình Hạc)…
Những bộ phim tài liệu này ra đời trước năm 2000, ca ngợi một con người vĩ đại, tài năng, phẩm chất cao quý, bản lĩnh phi thường, sức sống mạnh mẽ, nhưng đời thường bình dị, gần gũi với cán bộ chiến sĩ và nhân dân.
Những năm qua, những bộ phim tài liệu với khối lượng tư liệu, thông tin đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt ra mắt khán giả. Năm 2021, phim tài liệu “Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng” khai thác ý nghĩa sâu sắc, tư tưởng, phong cách, phương pháp của Bác Hồ, từ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong mỗi đại hội, nhiệm kỳ Đại hội Đảng mà Người trực tiếp chỉ đạo.
Năm 2023, phim tài liệu “Bác Hồ với điện ảnh” phỏng vấn nhiều nhà làm phim, văn nghệ sĩ từng góp phần làm nên những bộ phim về Người trong suốt hơn 70 năm qua. Tác phẩm là tâm huyết, tình cảm của các thế hệ nghệ sĩ và thể hiện trách nhiệm của ngành điện ảnh trong công tác tuyên truyền những tác phẩm nghệ thuật về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tới khán giả trong và ngoài nước. Cũng trong năm 2023, phim “Hồ Chí Minh - Con đường phía trước” giải mã quá trình hoạt động cách mạng của Bác ở Liên Xô qua các tài liệu, nhân chứng, bối cảnh và các nhân vật được phỏng vấn.
Năm nay, phim tài liệu “Những nét vẽ từ trái tim” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất là tác phẩm hướng tới Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm ca ngợi phẩm chất cao quý của Người.
Nguồn cảm hứng cho nghệ thuật
Mang trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng, Bác vẫn dành trọn tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của nhân dân, luôn lắng nghe, thấu hiểu và gần gũi với đồng bào. Hình ảnh ấy đã in sâu trong tâm thức của hàng triệu người dân, trở thành nguồn cảm hứng thiêng liêng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này.
Với phim truyện điện ảnh, năm 1990, “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với khán giả. Phim kể về thời gian người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi còn sống với gia đình tại Huế đến khi tới Sài Gòn để tìm cách ra nước ngoài, đi tìm đường cứu nước.
“Hẹn gặp lại Sài Gòn” khi ra mắt đã gây tiếng vang, đặc biệt phim được ngợi khen ở phần diễn xuất, hóa thân của 2 nghệ sĩ Tiến Hợi (vai Nguyễn Tất Thành) và Thu Hà (vai Út Vân). NSND Thu Hà chia sẻ về kỷ niệm góp mặt trong phim điện ảnh đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn phim đã phải rất cân nhắc khi khai thác câu chuyện của nhân vật lịch sử Nguyễn Tất Thành và Út Vân. Câu chuyện vừa đủ, không bi lụy. Mối quan hệ giữa họ vừa là tình bạn, tình đồng chí, vừa là sự nặng lòng của nhân vật Út Vân, nhưng vượt lên trên tất cả, mối quan hệ phải dừng lại, nén lại, vì con đường lớn lao mà Bác sẽ đi khi tàu rời bến cảng Nhà Rồng. Trong sự nghiệp của mình, tôi may mắn khi được tham gia nhiều dự án phim lịch sử, trong đó có nhiều tác phẩm về Bác Hồ như vở kịch Đêm trắng, Xin lĩnh án tử hình, bộ phim Nhìn ra biển cả... Tôi thực sự tự hào, vinh dự”. Tiếp theo đó, các phim điện ảnh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Mỗi tác phẩm, mỗi bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lời tri ân tới vị cha già dân tộc, người đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chan-dung-chu-tich-ho-chi-minh-qua-nhung-thuoc-phim-dien-anh-3358784.html
Bình luận (0)