Vẽ tranh bằng chỉ
Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk) là cả một không gian nghệ thuật đặc sắc. Những cuộn chỉ to nhỏ như ánh cầu vồng lấp lánh dưới ánh đèn. Trước cơn lốc công nghệ, chỉ cần một nút bấm là hàng loạt sản phẩm ra đời, nhưng chàng trai Nguyễn Nhật Khiêm (SN 2000) vẫn lặng lẽ, miệt mài với đường kim mũi chỉ.
Anh Nguyễn Nhật Khiêm tỉ mỉ thêu tranh.
Những bức tranh được làm hoàn toàn từ chỉ khiến nhiều người tỏ ra thích thú và ngạc nhiên. “Nghe đến kim chỉ, hẳn mọi người tưởng chỉ dành cho các chị em thích thêu thùa hoặc trong lĩnh vực may mặc”, Khiêm tiếp chuyện. Khi đến với niềm đam mê này, chính anh cũng hứng nhiều lời dèm pha, định kiến của mọi người, nhưng may mắn anh được sự động viên của gia đình.
Chuyện nghề của anh như dắt chúng tôi vào một hành trình bền bỉ. Anh có thời gian làm shipper, thợ xăm đến làm nhân viên văn phòng. Sau chặng đường dài bươn chải đủ nghề, chàng trai trẻ quyết định dừng lại suy ngẫm để tìm một công việc gửi gắm cảm xúc, mạch tư duy cho riêng mình trong dòng chảy cuộc sống. Anh học móc len, vẽ tranh… rồi công việc thêu tay truyền thống quyến rũ, níu kéo anh lúc nào chẳng hay. Những ngày đầu, đôi tay vụng về, thô cứng khiến anh phải vật lộn với từng mũi chỉ. Bắp tay, vai gáy luôn trong trạng thái đau nhức. Việc phải tháo ra, thêu lại cũng là bình thường...Với sự đam mê, người thợ trẻ khéo léo với từng đường kim mũi chỉ khi nào không hay.
Mẹ của anh Khiêm là người động viên, truyền động lực cho anh theo đuổi đam mê.
Anh tự mày mò học hỏi qua nhiều nguồn, dành hàng giờ xem video hướng dẫn, nghiên cứu thêu tranh truyền thống và cả các tư liệu nước ngoài. Sau đó tạo nên kỹ thuật mới để tranh không chỉ là một sản phẩm mà là một tác phẩm. Sau nhiều lần thử nghiệm, vải nỉ là vật liệu chính để anh bắt đầu hành trình sáng tạo. Với anh, việc cân chỉnh và căng chỉ sao cho đều và đẹp là công đoạn quan trọng và đòi hỏi sự tập trung, khéo léo nhiều nhất.
Với tâm hồn thư thái và tình yêu thiên nhiên, Khiêm mang đến cho người xem cái nhìn đa chiều, khi sâu lắng dịu dàng, khi mạnh mẽ khát khao. Và cũng là bàn tay tài hoa của Khiêm đã dệt nên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm hoàn thành nhân dịp sinh nhật Bác năm 2023, được đánh giá là sống động như tranh 3D, khiến nhiều người xúc động khi chiêm ngưỡng.
Trót vướng nghiệp tranh nên anh vẫn ngày đêm mê mẩn trong từng mũi kim, đường chỉ. Nhật Khiêm muốn chinh phục cái mới nên anh đã thử nghiệm thêu trên lá khô và xương lá. “Việc thêu tranh trên chất liệu này khá khó khăn bởi bề mặt của lá hay xương lá đều rất dễ rách và không thể căng lên khung được. Do đó, khi thêu phải tỉ mỉ và có sự tính toán để không gây sát thương nhiều lên mặt lá mà vẫn giữ được bố cục tranh”, anh Khiêm tiết lộ .
Hình ảnh chú chim thêu trên chiếc lá khô với nhiều lớp chỉ chồng lên nhau, từng tầng khối, đường nét, bố cục, mảng màu trầm sâu, những chuyển biến nóng lạnh nhẹ nhàng, tinh tế. Tranh có sự mộc mạc, chất phác. Niềm đam mê cháy bỏng được Nhật Khiêm tỉ mỉ, cẩn thận gửi gắm qua từng đường kim bằng lòng kiên trì để chia sẻ với người xem.
Thả hồn vào tranh
Với Nhật Khiêm, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một thử thách sáng tạo. Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, mỗi bức tranh thêu còn ẩn dấu vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và cả tình người chân thành nồng ấm. Anh muốn người ta nhớ đến sản phẩm của mình vì sự chỉn chu, tỉ mỉ và tâm huyết, chứ không phải là những món đồ làm vội. Đôi khi anh chấp nhận từ chối những đơn hàng đơn giản để thời gian đầu tư cho các tác phẩm có chiều sâu nghệ thuật.
Hơn 3 năm, Nhật Khiêm đã hoàn thành hơn 60 tác phẩm được thực hiện hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày, anh miệt mài làm việc từ 10 đến 12 tiếng. Để làm nên một bức tranh, có khi anh phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh. Chàng trai trẻ tận dụng mạng xã hội để lan tỏa đam mê và giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Bức tranh sư tử thêu trên xương lá bồ đề được hoàn thiện trong 10 ngày. Tác phẩm này khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận về hàng loạt bình luận khen ngợi của mọi người.
Hình ảnh phong cảnh, làng quê, thiên nhiên được anh khắc họa trong tranh.
Anh chia sẻ, để đưa được cái hồn vào bức tranh không dễ, mỗi bức được kết hợp bởi hàng nghìn mũi kim với đủ loại chỉ thêu để đặc tả chi tiết, mới toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh. Tranh chân dung, Khiêm không thêu dọc, thêu ngang theo kiểu truyền thống mà bo theo đường nét gương mặt nhân vật. Nhiều người sẵn sàng chi khoản tiền lớn để sở hữu những tác phẩm đặc biệt mang dấu ấn cá nhân của anh. Chính nghề này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Nhật Khiêm thử nghiệm thêu trên lá khô và xương lá.
Sản phẩm thêu tay rất kén khách, nhưng máy móc, công nghệ không thể truyền tải được cảm xúc, thần thái vào mỗi bức tranh. Anh thực sự yêu nghề và làm nghề bằng tất cả sự trân trọng. Mỗi mũi thêu giúp anh rèn luyện sự kiên nhẫn, khả năng tập trung và tinh thần tự học mỗi ngày. Đây cũng là cách mà anh vẽ nên những giấc mơ, mở ra một nhịp sống mới, những mối quan hệ mới, trải nghiệm mới và một góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Anh luôn muốn được chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa kiến thức thêu tay đến nhiều người hơn để cùng nhau học hỏi, thư giãn và gìn giữ nét đẹp của nghề truyền thống lâu đời.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của các dân tộc. Nhưng rất hiếm người trẻ có đam mê và quyết tâm gắn bó với nghề thêu tranh như anh Nguyễn Nhật Khiêm. Đây là một việc làm ý nghĩa, vừa giúp tạo thu nhập, vừa góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một.
Nguồn:https://tienphong.vn/chang-trai-voi-biet-tai-theu-tranh-tren-la-post1764123.tpo
Bình luận (0)