Triển lãm do họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển, quy tụ 42 họa sĩ tên tuổi, nhằm tôn vinh nhà văn tài hoa qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo do chính ông và các họa sĩ thể hiện.
Không gian trưng bày triển lãm "Gốm Thiệp" tại Hà Nội.
Sinh thời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là người yêu hội họa, nhất là hội họa trên gốm. Ông thích vẽ trên gốm Bát Tràng. Một trong những đặc điểm riêng có trong các tác phẩm văn học của ông từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ đến kịch là những câu thoại ngắn sắc sảo, nhiều ẩn ý, lấp lánh biểu tượng hai mặt. Điều này gợi ý rất nhiều cho tạo hình và ông đã mang vào trong các tác phẩm gốm.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay vẽ chân dung bạn bè, vẽ lại từ những ấn tượng trong hồi ức, kỷ niệm về những sự kiện đặc biệt diễn ra trong đời sống như một cách lưu lại những cột mốc thời gian. Và ông gọi đó là cách trò chuyện với những ký ức. Điều thú vị là ông luôn lưu lại những thủ bút là những câu văn, thơ, ngạn ngữ của các bậc tiền nhân hay của chính bản thân mà ông cảm thấy tâm đắc và ưng ý, phù hợp với tác phẩm gốm của mình.
Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu vẽ tranh trên gốm từ năm 1993. Các tác phẩm của ông để lại đã ghi dấu một chặng đường sáng tác phong phú và ấn tượng.
Một người con trai của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: "Các tác phẩm văn chương của bố tôi gợi ý rất nhiều cho tạo hình. Khi chúng tôi trao đổi dự định trưng bày về các tác phẩm gốm với họa sĩ Lê Thiết Cương, anh đã rất ủng hộ và vui vẻ nhận lời làm giám tuyển. Và chúng tôi tổ chức sự kiện này với mong muốn tôn vinh và tưởng nhớ người cha kính yêu”.
Công chúng thủ đô tham quan không gian triển lãm "Gốm Thiệp".
Đặc biệt, triển lãm lần này quy tụ nhiều tác phẩm của 42 họa sĩ nổi tiếng như: Lê Thiết Cương, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Đặng Xuân Hòa, Ngô Phương Bình, Lý Trần Quỳnh Giang, Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Thu Thủy…dựa trên cảm hứng từ những câu văn trong các tác phẩm văn, thơ, kịch… của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Chia sẻ với phóng viên, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho biết: "Lần đầu tiên có một sự kiện quy tụ với số lượng đông nhất trong một chương trình mà chúng tôi từng tổ chức. Mỗi họa sĩ một cảm hứng khác nhau, người thì vẽ dựa trên cốt truyện, hoặc nút thắt của truyện, người thì vẽ trên gợi ý từ những câu đối thoại của nhân vật thậm chí tên truyện, và có cả các nghệ sĩ viết hẳn một đoạn tác phẩm tâm đắc lên đĩa gốm…
Mỗi người mỗi giọng dù chỉ là gốm xanh-trắng Bát Tràng, đơn sắc nhưng vẫn đa thanh, đa sắc. Cũng có thể coi đó là những ngọn nến kỷ niệm sinh nhật tuổi 75 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp".
Triển lãm "Gốm Thiệp" kéo dài đến hết ngày 20/4 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Nhiều sản phẩm "Gốm Thiệp" độc đáo trưng bày tại số 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút người xem.
Nhiều sản phẩm gốm với hoạ tiết độc đáo được trưng bày tại triển lãm.
Sản phẩm gốm hình chiếc đĩa với hoạ tiết ấn tượng.
Sản phẩm gốm hình bình hoa của hoạ sĩ Lê Trí Dũng.
Nhiều tác phẩm gốm độc đáo khác tại triển lãm.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1986, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Ngoài truyện ngắn, tác giả viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002).
Nguồn: https://www.congluan.vn/chiem-nguong-cac-san-pham-gom-thiep-cua-42-hoa-si-tai-hoa-post341392.html
Bình luận (0)