Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiến thắng nức lòng của "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối"

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã lập nên một chiến thắng "kép" khi vừa chinh phục được giới phê bình, khán giả vừa lập kỳ tích phòng vé với doanh thu lên đến 75 tỷ đồng sau 4 ngày trình chiếu đầu tiên. Phải rất nhiều năm rồi, dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh của điện ảnh Việt Nam mới trở lại đỉnh cao một lần nữa, trong một dịp lễ rất đặc biệt: 50 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Báo Dân tríBáo Dân trí08/04/2025

Kể từ Chung một dòng sông (1959), dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh luôn được xem là chủ lực của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Loạt phim mang màu sắc anh hùng ca hoặc đề cao chiến tranh nhân dân của quân và dân Việt Nam một thời như Con chim vành khuyên (1962), Chị Tư Hậu (1963), Nổi gió (1966), Đường về quê mẹ (1971), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974)… trở thành những tác phẩm tiêu biểu nhất trong giai đoạn chiến tranh.

Điểm đặc biệt của những bộ phim này là đề cao tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam trong chiến tranh. Nhiều bộ phim trong số này có nhân vật chính là những nhân vật thiếu nhi (Con chim vành khuyên và Em bé Hà Nội) hay phụ nữ (Nổi gióChị Tư HậuVĩ tuyến 17 ngày và đêm), xứng danh với câu nói nổi tiếng một thời "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".

Sau 30/4/1975, khi chiến tranh đã kết thúc, âm hưởng sử thi - anh hùng ca của điện ảnh cách mạng Việt Nam vẫn được tiếp nối với bộ ba phim của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến với bối cảnh miền sông nước Nam Bộ là Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1980) và Mùa nước nổi (1981). Chất anh hùng ca và vẻ đẹp trữ tình của người nông dân Nam Bộ được biên kịch - nhà văn Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Hồng Sến xây dựng dựa theo những nguyên mẫu có thật hoặc được lấy cảm hứng từ chính đời sống. Rất nhiều hình ảnh trong các bộ phim này đã trở thành kinh điển như hình ảnh lão nông Tám Quyện (Lâm Tới) bị nhóm binh lính của chế độ Sài Gòn cũ chôn sống để khủng bố tinh thần người dân theo Cộng sản trong Mùa gió chướng. Còn trong Cánh đồng hoang, vợ chồng Ba Đô (Lâm Tới) và Sáu Xoa (Thúy An) phải cho đứa con sơ sinh của họ vào túi ni lông để dìm xuống nước, tránh sự càn quét của máy bay Mỹ đang tìm cách săn lùng để tiêu diệt họ trở thành một hình ảnh đắt giá và giúp bộ phim này giành chiến thắng cao nhất tại Liên hoan phim Moscow (Liên Xô) vào năm 1980. Đó là những hình ảnh mang tính biểu tượng của điện ảnh cách mạng một thời.

diadao2-1743680562190-1744034177008.jpg.webp

Cuộc sống của những du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi được tái hiện chân thực trong phim (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Trong thập niên 1980, bộ phim 4 tập Biệt động Sài Gòn (1984-1986) cũng tạo nên cơn sốt vé chưa từng có trong Nam ngoài Bắc. Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Long Vân và dàn diễn viên tên tuổi như Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An… Biệt động Sài Gòn đề cao tinh thần quả cảm, sự mưu lược, thông minh và cả những mất mát, hy sinh anh dũng của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch. Loạt phim này đã chiếm trọn cảm tình của khán giả, thu hút tới 10 triệu lượt khán giả mỗi tập và chứng tỏ sức mạnh của điện ảnh Việt Nam một thời.

Sang những năm thập niên 1990 và đầu 2000, dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh bắt đầu mất dần sức hút với khán giả do cách xây dựng kịch bản khá nhàm chán hoặc minh họa, trong khi chiến tranh đã lùi lại khá xa. Một số bộ phim hậu chiến kể về thân phận con người sau chiến tranh như Đời cát (1999), Sống trong sợ hãi (2005) gây được tiếng vang về mặt nghệ thuật nhưng khó khăn trong việc tiếp cận khán giả.

Một số tác phẩm về đề tài chiến tranh - lịch sử khác như Ngã ba Đồng Lộc(1997), Mùi cỏ cháy (2012) hay Những người viết huyền thoại (2013) nhận được những phản hồi khá tích cực của báo chí, nhưng cũng không thu hút được khán giả. Hầu hết các bộ phim chiến tranh - lịch sử ở giai đoạn này thường được sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc tài trợ của nhà nước và thường được mang đi chiếu miễn phí vào các dịp lễ, hầu như không bán được vé cho khán giả.

Trong nhiều năm qua, dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh gần như "biến mất" khỏi điện ảnh Việt Nam. Vì vậy mà sự thành công vang dội của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nhân dịp lễ 50 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước đã làm nên một cột mốc mới cho dòng phim đề tài chiến tranh và có thể tạo cảm hứng cho nhiều bộ phim có đề tài tương tự được đầu tư sản xuất.

Bộ phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (anh đồng thời cũng là biên kịch) ấp ủ trong nhiều năm trời với tham vọng xây dựng được một bộ phim chiến tranh chân thực, thậm chí là trần trụi, phá bỏ những khuôn mẫu mang tính minh họa mà các bộ phim chiến tranh khác từng mắc phải.

Câu chuyện phim được lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật sau năm 1967 kể về cuộc sống và chiến đấu của đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông, Củ Chi. Là một trong những tiểu đội bám trụ địa đạo, đội du kích của Bảy Theo được giao nhiệm vụ hỗ trợ Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) bảo vệ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến. Nhưng thực chất, nhiệm vụ của họ còn nặng nề hơn nhiều - đó là bảo vệ địa bàn an toàn để nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng truyền đi những tài liệu mật quan trọng bằng sóng vô tuyến.

Các cuộc liên lạc bằng vô tuyến điện từ bị quân đội Mỹ phát hiện và định vị. Lính Mỹ bắt đầu tấn công địa đạo bằng mọi hướng, từ thả khí độc, bơm nước vào địa đạo, cho xe tăng phá các cửa hầm địa đạo. Cuộc chiến không cân sức giữa các chiến sĩ du kích với những trận càn, bố ráp của quân đội Mỹ diễn ra khốc liệt và gây nhiều thương vong, mất mát cho những người lính, nhưng không sức mạnh nào có thể trấn áp được tinh thần của họ. Bộ phim đã khắc họa rất thành công những khoảnh khắc đời thường của những người lính du kích nhỏ bé nhưng quả cảm.

Được đầu tư kinh phí lớn, đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam huy động được nhiều vũ khí hạng nặng mà quân đội Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó như xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu chiến Giang Thuyền Swift Boat (PCF) Patrol Craft Fast, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 cùng các loại vũ khí khí tài quân sự khác. Nhờ thế, những pha đọ sức giữa xe tăng, tàu chiến, vũ khí hạng nặng giữa đội quân nhà nghề của Mỹ và những du kích Củ Chi "chân trần chí thép" thuyết phục và lôi cuốn người xem. Sự đầu tư lớn này cũng khiến Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối thoát được những minh họa đơn giản về chiến tranh như nhiều bộ phim trước đây và có tầm vóc của một bộ phim quốc tế.

Chiến thắng của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (dự đoán doanh thu vượt 200 tỷ đồng) thực sự làm nức lòng khán giả Việt vì từ lâu lắm rồi mới có một bộ phim chiến tranh - lịch sử vươn lên dẫn đầu phòng vé và có thể lập kỷ lục doanh thu.

Chiến thắng của bộ phim chắc chắn cũng sẽ mở đường cho nhiều tác phẩm đề tài lịch sử - chiến tranh của Việt Nam được đầu tư, sản xuất trong tương lai.

Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/chien-thang-nuc-long-cua-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-20250407205835582.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm