Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chính phủ trình dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc biệt với kinh tế tư nhân

(Dân trí) - Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Chính phủ trình Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/05/2025

Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối Nghị quyết 68

Ngày 14/5, Chính phủ đã gửi Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Văn bản cho biết Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết này là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 68 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Nghị quyết về cơ chế đặc thù được xây dựng trên 5 quan điểm. Thứ nhất, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 68 có tính chất vượt trội, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ hai, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.

Thứ ba, bám sát theo tinh thần Kết luận số 119 của Bộ Chính trị, phân định rõ thẩm quyền trong xây dựng pháp luật theo quy định.

Thứ tư, quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để huy động đa dạng hóa các nguồn lực và giải phóng nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ năm, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Chính phủ trình dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc biệt với kinh tế tư nhân - 1

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối Nghị quyết 68 (Ảnh: Tiến Tuấn).

3 nhóm giải pháp

Căn cứ Nghị quyết 68, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các luật đang dự kiến sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, các nhiệm vụ, giải pháp được phân loại, đề xuất thể chế hóa Nghị quyết 68 theo 3 nhóm.

Thứ nhất, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.

Thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực và Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Thứ 2 là đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay tại các dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ 3 là đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo.

Đồng thời, quy định một số nguyên tắc tại dự thảo Nghị quyết làm định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.

Chính phủ trình dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc biệt với kinh tế tư nhân - 2

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân gồm 7 chương và 17 điều (Ảnh: Mạnh Quân).

Bố cục của dự thảo Nghị quyết

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết như sau:

Chương I: Quy định chung

Nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất đối với một số thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Nghị quyết.

Chương II: Cải thiện môi trường kinh doanh

Quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

Giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Chương III: Hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh

Quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, cụ thể gồm: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Chương IV: Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công

Quy định hỗ trợ vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn...; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Chương V: Hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực

Quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này; nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung.

 Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

Chương VI: Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong

Quy định 2 chính sách cho nhóm doanh nghiệp này, bao gồm: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia.

Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Chương VII: Điều khoản thi hành

Dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức thực hiện, thời điểm có hiệu lực và xử lý mối quan hệ giữa Nghị quyết này với các Luật, Nghị quyết khác có liên quan.

Tờ trình này do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chinh-phu-trinh-du-thao-nghi-quyet-ve-co-che-dac-biet-voi-kinh-te-tu-nhan-20250515144411295.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm