Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ động phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp

BDK - Với đặc điểm địa hình là một tỉnh ven biển và được bao bọc bởi 4 nhánh sông lớn như: Tiền Giang, Ba Lai, Cổ Chiên và Hàm Luông, tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng rủi ro của biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn và sạt lở. Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều chương trình trọng điểm, vừa ứng phó hiệu quả với thiên tai, vừa xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Các chương trình này không chỉ góp phần ổn định đời sống nhân dân mà còn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng giá trị gia tăng và bền vững.

Báo Bến TreBáo Bến Tre23/04/2025

Xây dựng kè biển đoạn Cồn Bửng, Thạnh Phú để phòng chống sạt lở bờ biển.

Hạ tầng thủy lợi

Bến Tre là một tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông - Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữa hạ lưu các sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Với sự bao bọc, bồi đắp phù sa từ 4 con sông lớn, đã hình thành cho tỉnh với một địa hình ba cù lao gồm An Hóa, Bảo và Minh.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, trong những năm qua, tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình thủy lợi và cấp nước quan trọng, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu cho cây trồng, phục vụ nuôi thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 1.644 công trình cống (204 cống lớn có chiều rộng cửa 1,5m trở lên và 1.440 cống nhỏ hơn), 2.575km kênh mương (1.592 tuyến kênh), 433km đê bao (141 tuyến), cùng các hồ trữ nước dung tích lớn, đã tạo thành mạng lưới thủy lợi quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.

Thời gian qua, các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng vai trò ngăn mặn, trữ ngọt mà còn góp phần quan trọng trong ổn định đời sống người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với BĐKH. Các công trình trọng điểm như: cống Ba Lai, cống Tân Phú, Bến Rớ, các tuyến đê ngăn mặn ven sông Hàm Luông, hồ trữ nước ngọt Lạc Địa… đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong bảo vệ sản xuất nông nghiệp và ổn định dân sinh. Nhiều công trình mới đang được thi công như: tuyến đê bao xã Hưng Phong, các cống vùng nuôi tôm công nghệ cao Ba Tri, hay hạ tầng tái định cư khẩn cấp vùng sạt lở​.

Cống Ba Lai kết hợp với hệ thống cống tại các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại đã hình thành mạng kiểm soát nước liên hoàn, giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả tại tiểu vùng Bắc Bến Tre. Cống Tân Phú và Bến Rớ, thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3), sau khi hoàn thành đã hỗ trợ kiểm soát nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai, đặc biệt hiệu quả trong mùa hạn mặn kéo dài vừa qua​.

Song song với các công trình đã phát huy hiệu quả, nhiều dự án mới đang được gấp rút triển khai. Điển hình như tuyến đê bao xã Hưng Phong (Giồng Trôm) kết hợp chức năng chống ngập, kiểm soát mặn và trữ ngọt hiện đã hoàn thành hơn 84,3% khối lượng, đang thi công các cống dưới đê và tuyến đê chính, dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2025​.

Tại huyện Ba Tri, Dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hứa hẹn tạo bước đột phá về năng suất và an toàn sinh học cho ngành thủy sản địa phương.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định rõ mục tiêu phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: dừa, cây ăn trái, cây giống - hoa kiểng, tôm, bò. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 ngàn ha dừa hữu cơ, 3.600ha tôm công nghệ cao. Giá trị chuỗi dừa đạt 0,6 tỷ USD, chuỗi tôm gần 1 tỷ USD​.

Tỉnh đã phát triển 161 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 78 HTX tham gia chuỗi giá trị. Việc áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh có 62 vùng trồng xuất khẩu, với 152 mã số và 6 doanh nghiệp đạt mã cơ sở đóng gói sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu...

Ngoài ra, tỉnh đang tích cực hoàn thiện quy hoạch khu đô thị nông nghiệp thông minh kết hợp công nghiệp sạch và du lịch trên địa bàn TP. Bến Tre và huyện Châu Thành, với diện tích hơn 5.300ha, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, tạo đòn bẩy phát triển toàn diện​.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Văn Thắm, mùa khô 2023 - 2024 ghi nhận tình trạng nắng nóng kéo dài tới 150 ngày không mưa, kết hợp xâm nhập mặn sớm và sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Độ mặn đo được trên sông Hàm Luông tại trạm Mỹ Hóa có lúc vượt ngưỡng 6,1%o, gây nguy cơ mất nước cho các vùng trồng cây ăn trái giá trị cao. Trước tình hình đó, tỉnh đã kích hoạt sớm các phương án ứng phó theo kịch bản cực đoan tương tự năm 2019 - 2020. Có 117 điểm đo mặn được thiết lập trên các sông chính. Hệ thống RO và các đập ngăn mặn tạm thời được vận hành linh hoạt. Nhờ đó, đến cao điểm tháng 3-2024, 21/51 nhà máy nước trong tỉnh vẫn đảm bảo độ mặn đầu ra dưới 0,5%o đáp ứng chuẩn nước sinh hoạt​. Riêng mùa khô 2024 - 2025, tới thời điểm này, tình hình kiểm soát nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất duy trì ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sản xuất đúng thời vụ, tránh canh tác ngoài vùng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường các biện pháp trữ nước ngọt tại hộ. Tỷ lệ hộ gia đình có thiết bị trữ nước đã đạt hơn 95%, phản ánh hiệu quả công tác chuẩn bị và sự đồng thuận của người dân​.

Gắn với Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 118/132 xã đạt chuẩn NTM (đạt 89,93%). Huyện Chợ Lách đang chuẩn bị hồ sơ công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Huyện Mỏ Cày Nam đã hoàn thành và được công nhận huyện NTM. Các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Đặc biệt, phong trào “Ngày Chủ nhật NTM” diễn ra định kỳ, với hơn 1,4 triệu lượt người tham gia, huy động được hơn 76 tỷ đồng, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sống sạch đẹp, gắn kết cộng đồng​.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, song song với các giải pháp công trình, tỉnh còn tích cực thực hiện đề án phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng ĐBSCL. Trong khuôn khổ Đề án cấp vùng đến 2050, tỉnh đã đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh di dời, bố trí dân cư vùng nguy cơ cao, sắp xếp lại dân cư ven sông, ven biển theo hướng gắn kết sinh kế bền vững​.

“Từ phòng chống hạn mặn, đầu tư thủy lợi, xây dựng NTM đến phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tỉnh đang từng bước xây dựng nền tảng phát triển ngành nông nghiệp - trụ đỡ kinh tế của địa phương theo hướng bền vững. Các giải pháp tổng thể vừa chủ động thích ứng thiên tai, vừa gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, vừa nâng chất đời sống nông dân đã và đang khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/chu-dong-phong-chong-thien-tai-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-23042025-a145610.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm