Sáng 22-5, Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM (Ban Chỉ đạo) họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, trong bối cảnh TPHCM mở rộng địa giới hành chính – dự kiến hợp nhất với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương – nhu cầu phát triển hệ thống đường sắt đô thị ngày càng cấp thiết. Thành phố cần quy hoạch lại, nối dài các tuyến Metro đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.
Việc mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị sẽ tạo đà thu hút đầu tư, phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).
Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Được phân tích, trước mắt Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) thuộc UBND TPHCM là phù hợp. Tuy nhiên về lâu dài, Sở Xây dựng TPHCM và MAUR nghiên cứu tham mưu để TPHCM nâng cấp mô hình quản lý của MAUR.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, xây dựng các tuyến Metro mà chỉ sử dụng ngân sách nhà nước mà còn phải tính phương án tài chính như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia, kể cả kết hợp nguồn vốn ODA.

Theo báo cáo của Quyền Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Quang Lâm, mục tiêu đến năm 2035 thành phố sẽ hoàn thành khoảng 355 km đường sắt đô thị với tổng vốn đầu tư ước tính 40,2 tỷ USD. Giai đoạn đến 2045 sẽ xây thêm 155 km, chưa bao gồm tuyến từ Trung tâm Thành phố đi Cần Giờ (khoảng 48,7km) và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 41km).
Theo ông Trần Quang Lâm phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố đã đạt nhiều bước tiến nhờ các chính sách và cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương và pháp luật hiện hành. Chính sách huy động vốn đa dạng, gồm ngân sách trung ương và địa phương, vay ODA, trái phiếu, vay trong nước, và quốc tế, giúp đảm bảo nguồn lực đầu tư các dự án.
Thủ tướng có quyền phân bổ vốn trung hạn, không vượt 209.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2035, trong khi Hội đồng nhân dân TPHCM quyết định bố trí vốn hàng năm từ ngân sách địa phương dựa trên các nguồn tăng thu, tiết kiệm hợp pháp.
Các quy trình đầu tư rõ ràng, từ lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt đến kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ và hiệu quả. UBND TPHCM có quyền điều chỉnh tiến độ, phương án kiến trúc, chỉ định thầu phù hợp thực tế.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển đô thị theo mô hình Đô thị tích hợp đa chức năng (TOD) thúc đẩy phát triển các trung tâm sôi động quanh các nhà ga, sử dụng quỹ đất, huy động vốn PPP, giảm tải phương tiện cá nhân và phát triển đô thị bền vững.
Ngoài ra, chính sách về công nghiệp ngành đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp nâng cao nội lực, giảm phụ thuộc nước ngoài. Các quy định về vật liệu xây dựng, xử lý bãi thải đảm bảo tiêu chuẩn, thân thiện môi trường, khuyến khích vật liệu xanh.
Trong quản lý tài chính, thu phí theo khu vực, hoạt động thương mại, dịch vụ giúp duy trì và mở rộng mạng lưới. Các cơ quan liên quan phân cấp trách nhiệm rõ ràng, giữ tính minh bạch, hiệu quả. Chính sách còn dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tháo gỡ vướng mắc, tạo nền tảng pháp lý rõ ràng để thúc đẩy đầu tư, xây dựng, vận hành hệ thống metro thành phố trong tương lai.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-quy-hoach-bo-sung-mang-luoi-duong-sat-do-thi-post796319.html
Bình luận (0)