Những vết thương không bao giờ lành
Theo thống kê của Chính phủ, năm 2024, toàn quốc ghi nhận 2.361 vụ xâm hại trẻ em, với 2.931 đối tượng bị xử lý, làm tổn thương 2.505 trẻ. Dù giảm 137 vụ so với năm 2023, nhưng những con số này vẫn cho thấy thực trạng nhức nhối và diễn biến phức tạp của vấn đề. Đặc biệt, hành vi xâm hại thông qua không gian mạng đang gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc, bảo vệ toàn diện
(Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Hàm Tử, xã Triệu Việt Vương)
Tại tỉnh Hưng Yên, hiện có trên 331.500 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 24,1% dân số toàn tỉnh. Đây là lực lượng tương lai quan trọng của tỉnh, cần được chăm sóc, bảo vệ toàn diện. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, chủ yếu ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường gia đình thiếu ổn định. Trẻ em sống trong gia đình ly hôn, bố mẹ đi làm xa, hoặc phải nghỉ học sớm thường trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Nguyên nhân chính là do nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ còn hạn chế, thiếu sự quan tâm sát sao từ người lớn.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hiện là kênh tiếp nhận thông tin quan trọng, giúp phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp. Từ năm 2019 đến nay, hơn 45% số cuộc gọi đến Tổng đài phản ánh về bạo lực và hơn 24% liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Chung tay bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em. Trên cơ sở thực hiện Quyết định 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 21/12/2020 về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Hưng Yên và chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em cho hơn 100 đại biểu tham gia
Từ năm 2020 đến tháng 5/2025, cấp tỉnh đã tổ chức 59 lớp tập huấn cho trên 5.000 lượt cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp về kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức 55 buổi tập huấn, truyền thông cho trên 24.000 học sinh, giáo viên, phụ huynh của các trường Tiểu học và THCS về quyền và bổn phận của trẻ em, về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các hoạt động ngoại khóa, trại hè kỹ năng, sân chơi an toàn được tổ chức rộng khắp, góp phần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em.
Song song với đó, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em đã được phủ khắp 100% xã, phường, với hơn 1.300 người thường xuyên theo dõi, phát hiện, can thiệp các trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng điểm vui chơi, nhà văn hóa thôn, thư viện thiếu nhi... nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.
Một buổi tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em tại trường Tiểu học và THCS Nguyễn Trãi do Tỉnh đoàn tổ chức
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế cũng chỉ ra một số tồn tại: sự phối hợp liên ngành chưa đồng bộ, đội ngũ cán bộ cấp xã còn kiêm nhiệm, ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Trong khi đó, môi trường mạng vẫn là "vùng xám" tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu sự giám sát của gia đình và nhà trường.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý trẻ em, tăng cường truyền thông sâu rộng trong cộng đồng; xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại, bạo lực nhằm tạo tính răn đe; đồng thời, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ và nâng cao năng lực phụ huynh trong nhận diện, ứng phó với các nguy cơ.
Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là nhiệm vụ pháp lý mà còn là bổn phận đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Chung tay hành động hôm nay chính là cách để chúng ta xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, an toàn và hạnh phúc hơn.
Dương Miền – Hương Giang
Nguồn: https://baohungyen.vn/chung-tay-bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-bao-luc-va-xam-hai-3182323.html
Bình luận (0)