Trường học là nơi gieo mầm tri thức, nhưng cũng là chiến tuyến âm thầm chống lại những cám dỗ đầu đời. Với lứa tuổi từ lớp 6 đến lớp 9, khi các em học sinh còn chưa đủ hiểu biết về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thì mỗi tiết học, mỗi lời chia sẻ của thầy cô đều trở thành một chiếc phao cứu sinh. Tại Trường THCS Thắng Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ), hành trình "vì một mái trường không khói thuốc" không chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, mà là những câu chuyện xúc động, day dứt và đầy hy vọng.
Bước ngoặt đến từ một tiết học đặc biệt
"Thầy ơi, em biết thuốc lá có hại thật rồi. Em sẽ bỏ, em hứa", đó là lời của em D, một học sinh lớp 9B. D không phải một học sinh cá biệt, em hoạt bát, hòa đồng, nhưng thường xuyên mệt mỏi, đến muộn, ít tham gia hoạt động lớp. Dễ nhận ra nhất là sự lơ đãng trong các giờ học, như thể em đang trôi giữa một dòng chảy không tên, mang theo những trăn trở tuổi mới lớn và cả bí mật không muốn ai biết.
Thầy Đạt và học sinh trong một buổi ngoại khóa về tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá
Thế rồi, một tiết học trải nghiệm hướng nghiệp về chủ đề sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành bước ngoặt với D. Ở tiết học này, cô tổng phụ trách không chỉ nêu những số liệu khô khan, mà kể về một người học trò cũ từng nghiện thuốc lá, từng trải qua thời gian giằng xé để từ bỏ. Câu chuyện thật, lời kể thật khiến cả lớp im phăng phắc. Nhưng có lẽ, người bị chạm sâu nhất là D.
Chiều hôm ấy, D lặng lẽ đến gặp cô tổng phụ trách. Em thú nhận đã thử hút thuốc từ lâu vì bị bạn bè thách thức "không hút là hèn". Em còn nói về những nỗi buồn trong gia đình, và một câu khiến cô giáo không thể nào quên: "Em không thể tiếp tục như vậy được nữa. Em muốn thay đổi".
Sau đó, D dần thay đổi thật. Em học đều hơn, ít đi muộn, ánh mắt bớt đượm buồn. D đặt nguyện vọng thi lên cấp ba ở trường gần nhà để được ở bên gia đình và tiếp tục một hành trình mới, không có khói thuốc.
Câu chuyện của D không phải cá biệt. Nhiều thầy cô tại Trường THCS Thắng Sơn đã từng phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Với vẻ ngoài như một cây bút máy sành điệu, mùi vị trái cây dễ chịu, loại thuốc này dễ dàng đánh lừa cảm giác nguy hại.
Không ít học sinh lầm tưởng thuốc lá điện tử "ít độc hại hơn", hoặc thậm chí "chỉ để vui". Nhưng thực tế, thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine, một chất gây nghiện mạnh, cùng nhiều chất độc hại chưa được kiểm soát.
Lứa tuổi THCS, khi các em còn mong manh trước sự thách thức của bạn bè, áp lực học hành và thiếu hiểu biết, rất dễ rơi vào cái bẫy "thử cho biết" để rồi thành "nghiện không hay".
Còn thầy giáo Lương Văn Đạt, Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B không khỏi trăn trở: "Tôi đã từng chứng kiến trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Thật sự, cảm xúc đầu tiên của tôi là lo lắng và xót xa. Tôi thật sự không tức giận, mà cảm thấy hụt hẫng. Vì tôi biết, đằng sau hành vi ấy thường là sự thiếu hiểu biết, bị rủ rê, hoặc tìm cách giải tỏa áp lực, hoặc đua đòi tuổi teen, như em D".
Giúp học sinh hiểu mình xứng đáng sống khỏe
Ở tuổi thiếu niên, nơi những cái "tôi" đang lớn nhanh hơn cả vóc dáng, những lời cấm đoán thường không còn nhiều tác dụng. Với thầy giáo Lương Văn Đạt, việc giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, không thể chỉ dừng ở những khẩu hiệu khô khan. Mỗi tiết học phải là một cuộc đối thoại, mỗi chia sẻ phải chạm vào cảm xúc để từ đó, các em thật sự thấm, thật sự thay đổi từ bên trong.
Theo thầy Đạt, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là thuốc lá điện tử ngày càng xuất hiện dưới những vỏ bọc đẹp đẽ: Nhỏ gọn như chiếc bút, thơm mùi hoa quả, đầy màu sắc hiện đại. Nó dễ dàng len lỏi vào môi trường học đường, nơi đáng lẽ phải an toàn nhất.
Thầy và nhà trường lựa chọn phương pháp tuyên truyền mềm dẻo nhưng sâu sắc để gần gũi với học sinh
"Có em nghĩ rằng thuốc lá điện tử "chỉ là hơi nước", không gây nghiện, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ hút một vài hơi cho vui, cho ngầu. Nhưng các em đâu biết, nicotine vẫn có trong đó, cùng rất nhiều chất độc hại tiềm ẩn. Đó là sự ngụy trang tinh vi mà người lớn còn khó phân biệt, huống chi là các em đang tuổi lớn", thầy Đạt lo lắng.
Thầy Đạt cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến thuốc lá điện tử dễ dàng "vượt rào" vào trường học không chỉ đến từ sự thiếu hiểu biết của học sinh, mà còn bởi sự lỏng lẻo trong kiểm soát của gia đình và những khoảng trống trong pháp luật. Nhiều phụ huynh bận rộn mưu sinh, thiếu thời gian quan tâm con cái. Một số khác thì chưa thực sự hiểu nguy cơ của thuốc lá thế hệ mới, cho rằng "chỉ hút thử một chút cũng không sao".
Trước thực trạng đó, thầy và nhà trường lựa chọn phương pháp tuyên truyền mềm dẻo nhưng sâu sắc. Thay vì chỉ nêu ra tác hại, thầy cô kể những câu chuyện thật từ chính học sinh cũ từng nghiện và đã từ bỏ. Những buổi học lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm, những giờ sinh hoạt dưới cờ, những tranh vẽ với chủ đề "Nói không với thuốc lá" được treo trang trọng giữa sân trường, tất cả đều hướng tới một mục tiêu: Chạm vào trái tim các em.
"Điều khiến tôi tâm đắc nhất là khi thấy học sinh chủ động chia sẻ, chứ không né tránh. Có lần, một em từng hút thuốc đã kể lại hành trình cai nghiện của mình trước cả lớp, nói về những đêm mất ngủ, về sự xấu hổ với bố mẹ. Câu chuyện đó có sức lan tỏa mạnh hơn bất kỳ bài tuyên truyền nào", thầy Đạt chia sẻ.
Tuy vậy, không phải lúc nào việc trò chuyện cũng dễ dàng. Nhiều em vẫn ngại ngùng, sợ bị đánh giá. Các em không thừa nhận, vì sợ bị kiểm điểm. Nhưng nếu chỉ áp đặt, kiểm soát, thì các em sẽ càng lẩn tránh. Giáo viên cần lắng nghe, kiên trì và tạo cảm giác an toàn.
Thầy Đạt khẳng định: Để phòng chống thuốc lá học đường hiệu quả, không thể chỉ trông chờ vào nhà trường. Cần có sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, cộng đồng, và cả những quy định pháp luật nghiêm khắc hơn với việc quảng bá, tiếp thị trá hình các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Và điều quan trọng nhất, vẫn là sự lựa chọn của chính các em. "Chúng tôi không dạy để kiểm soát, mà dạy để các em hiểu: Sức khỏe là vốn quý nhất. Các em xứng đáng được sống khỏe, sống vui, không lệ thuộc vào khói thuốc hay bất kỳ cám dỗ nào", thầy Đạt gửi gắm.
Thầy Đạt cũng cho rằng, để phòng chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả trong môi trường học đường, cần có sự vào cuộc đồng bộ và chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội và cả những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt của pháp luật.
"Chúng tôi không dạy để kiểm soát, mà dạy để các em hiểu"
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-toi-khong-day-de-kiem-soat-ma-day-de-cac-em-hieu-20250506230555313.htm
Bình luận (0)