Làng nghề hơn 400 năm tuổi
Theo ghi chép lịch sử, vào đầu thế kỷ XVII, triều đình nhà Lê đã mời những thợ đúc giỏi đến từ Thuận Thành, Bắc Ninh và Văn Lâm, Hưng Yên về kinh thành Thăng Long để đúc tiền cho triều đình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhà vua cho phép họ định cư tại vùng đất ven hồ Trúc Bạch. Để tưởng nhớ quê hương, họ đặt tên làng mới là Ngũ Xã – nghĩa là “năm xã tụ hội”.
Ban đầu, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã chủ yếu phục vụ triều đình, chuyên đúc tiền và các đồ thờ tự. Dần dần, nghề phát triển, mở rộng sang sản xuất các vật dụng dân sinh như mâm, chậu, nồi đồng... cùng sản phẩm thờ cúng như tượng Phật, đỉnh đồng, đèn nến, bát hương, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự… Chính vì thế, tiếng tăm nghề đúc Ngũ Xã lan rộng khắp các miền đất nước.
Bước sang thế kỷ XX, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp đó là Giải phóng Thủ đô năm 1954, để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, người dân Ngũ Xã chuyển sang đúc nhôm, chế tạo nồi cơm, xoong, chảo và các vật dụng phục vụ quốc phòng, dân sinh. Dù trải qua thời kỳ đầy khó khăn, người dân nơi đây vẫn không nguôi tình yêu nghề, luôn học hỏi, nâng cao tay nghề, gìn giữ và truyền lại kỹ thuật đúc đồng tinh xảo của cha ông.
Trong suốt chặng đường hơn 400 năm, người Ngũ Xã đã quy tụ những nghệ nhân bậc thầy trong nghề đúc đồng, góp phần làm nên nhiều kiệt tác gắn liền với văn hóa dân tộc. Có thể kể đến tượng Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh – một trong “Tứ trấn” linh thiêng của Thăng Long, hay pho tượng Đức Phật A Di Đà bằng đồng nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã – được Nhà nước công nhận là tác phẩm văn hóa – nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với làng nghề
Phát huy truyền thống quý báu ấy, những người thợ làng Ngũ Xã hôm nay luôn ấp ủ niềm đam mê, tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc đồng với mong muốn giữ nghề và đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Tiêu biểu nhất ở làng Ngũ Xã hiện nay là gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh - gia đình duy nhất hiện nay có tới 4 thành viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội". Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã của gia đình bà Minh đang sản xuất hàng trăm sản phẩm đúc đồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, được chế tác công phu với hoa văn, họa tiết cổ truyền tinh xảo...
Đặc biệt, theo Nghệ nhân Bùi Thị Minh, năm 2021, gia đình có hai sản phẩm là đôi đèn Tứ Linh và lọ Song Ngư đã được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng giành giải cao trong các kỳ thi kỹ năng thủ công tinh xảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Hứa Thị Minh Hồng cho biết, nhằm hỗ trợ, tạo đầu ra cho làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề đúc đồng Ngũ Xã tại địa chỉ 178 Trấn Vũ. Thành phố Hà Nội cũng đã công nhận Đúc đồng Ngũ Xã là một trong những nghề truyền thống tiêu biểu của Thủ đô.
“Đây là sự ghi nhận và khích lệ quan trọng, giúp người dân làng nghề có thêm động lực để tiếp tục bảo tồn, phát triển nghề, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến”, bà Hồng nhấn mạnh.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/tinh-hoa-duc-dong-ngu-xa-gop-mat-trong-san-pham-ocop-thu-do-701465.html
Bình luận (0)