AP ngày 6/5 công bố báo cáo dài 96 trang sau gần 4 tháng điều tra liệu nhiếp ảnh gia Nick Út có thực sự là tác giả bức ảnh Em bé Napalm từng đoạt giải Putlitzer, một trong những bức ảnh tiêu biểu của thế kỷ 20, hay không.
"Qua phân tích hình ảnh sâu rộng, phỏng vấn nhân chứng và kiểm tra tất cả các bức ảnh được chụp ngày 8/6/1972 hiện có, có khả năng ông Út đã chụp bức ảnh này. Không có tài liệu nào có thể chứng minh người nào khác chụp nó", Lauren Easton, người phát ngôn của AP, nói trong tuyên bố của hãng.
Cuộc điều tra của AP được đưa ra sau khi bộ phim tài liệu The Stringer được phát tại Liên hoan phim Sundance hồi tháng 1 cho rằng bức ảnh được chụp bởi một người khác tên Nguyễn Thành Nghệ.
"Chúng tôi đã không để sót bất kỳ thông tin nào mà chúng tôi biết, cũng như làm điều đó với tất cả sự tôn trọng dành cho những người liên quan. Việc thay đổi tác quyền không phải vấn đề với chúng tôi, nhưng điều đó cần dựa trên sự thật và bằng chứng. Và không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh Nick Út không chụp bức ảnh này", Derl McCrudden, phó chủ tịch AP, nói.
AP thêm rằng họ không thể chứng minh một cách thuyết phục Nick Út là tác giả bức ảnh do thời gian đã quá lâu, công nghệ hạn chế và một số người liên quan tới bức ảnh đã qua đời. Nhưng hãng tin khẳng định không tìm thấy bằng chứng cho thấy ông Nguyễn Thành Nghệ đã chụp bức ảnh. Báo cáo của AP nêu rõ trong số 10 người có mặt ở hiện trường ngày hôm đó, ông Nguyễn Thành Nghệ là người duy nhất tin ông Út không chụp bức ảnh.
Nhiếp ảnh gia Nick Út, người khẳng định bản thân là tác giả bức ảnh Em bé Napalm, ngày 6/5 cho biết ông rất hài lòng với những phát hiện trong cuộc điều tra của AP.
"Toàn bộ việc này đã khiến tôi rất khổ sở và buồn phiền. Tôi hiện rất mừng vì báo cáo đã làm sáng tỏ mọi chuyện", ông nói.
Nhóm sản xuất The Stringer đánh giá cao nỗ lực điều tra của AP, nói rằng "vui mừng" khi hãng đồng ý những vấn đề nêu trong bộ phim tài liệu về nguồn gốc bức ảnh là "đáng được xem xét".
"Chúng tôi hoan nghênh sự nghiêm túc khi họ thực hiện cuộc điều tra", tuyên bố của nhóm ngày 6/5 cho hay.
Em bé Napalm ghi lại hình ảnh bé gái 9 tuổi tên Kim Phúc đang la hét và bỏ chạy trong trạng thái khỏa thân sau một vụ đánh bom napalm. Bức ảnh đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ap-khong-thay-doi-tac-quyen-buc-anh-em-be-napalm-3356954.html
Bình luận (0)