Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vườn quốc gia Xuân Thủy: Hướng tới mục tiêu trở thành Vườn Di sản ASEAN

Với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thuỷ) đang tiến gần đến mục tiêu trở thành Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park - AHP). Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguyên mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam mà còn giúp củng cố vững chắc “thương hiệu” để thu hút các nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, quảng bá hình ảnh VQG Xuân Thuỷ, hình ảnh Nam Định…

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định08/05/2025


Vườn quốc gia Xuân Thủy có nhiều loài chim quý sinh sống. (Ảnh Trần Hưng)

Vườn quốc gia Xuân Thủy có nhiều loài chim quý sinh sống. (Ảnh Trần Hưng)

Kỳ I: Những giá trị sinh thái nổi trội

VQG Xuân Thuỷ nằm ở phía đông nam huyện Giao Thuỷ có tổng diện tích 15,1 nghìn ha, trong đó vùng lõi chiếm 7.100ha và vùng đệm 8.000ha, nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Đây là vùng đất ngập nước cửa sông ven biển tiêu biểu với địa hình tự nhiên được kiến tạo theo quy luật bồi tụ và xói lở của vùng cửa sông châu thổ Bắc Bộ. VQG Xuân Thủy là khu đất ngập nước ven biển đầu tiên của Việt Nam được công nhận là khu Ramsar vào năm 1989. Các kiểu đất ngập nước chính ở VQG Xuân Thuỷ bao gồm: bãi triều có rừng ngập mặn; bãi triều lầy không có rừng ngập mặn; đầm tôm, dải cát ở mép ngoài Cồn Lu và các dải cát chắn ngoài cửa sông - Cồn Xanh, Cồn Mờ, sông nhánh và lạch triều; vùng nước cửa sông (giới hạn ven bờ ngoài Cồn Lu, Cồn Xanh). Tại mỗi kiểu hệ sinh thái có các đặc trưng riêng về điều kiện môi trường sống, nơi cư trú… dẫn tới các đặc trưng về quần xã sinh vật. Tại VQG Xuân Thủy ghi nhận 203 loài thực vật có mạch thuộc 145 chi, 65 họ, trong đó có 14 loài thực vật ngập mặn chính… Đây là nơi sinh sống của 202 loài thực vật bậc cao; thảm thực vật có 7 quần xã; thực vật nổi đã thống kê được 112 loài; động vật nổi ghi nhận có 110 loài; có 385 loài động vật không xương sống; 155 loài cá; 427 loài côn trùng...

Đặc biệt, VQG Xuân Thuỷ là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Kết quả điều tra, khảo sát thực địa và kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu đã thống kê được 222 loài chim thuộc 42 họ của 12 bộ; trong đó 166 loài chim di cư. Trong số các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở VQG Xuân Thuỷ, nhóm chim được chú ý bảo tồn nhiều hơn cả, nhất là nhóm chim di cư. Có 2 dòng chim di cư, đó là: chim di cư tránh rét từ phương Bắc xuống trú đông, vào dịp hè thu các loài chim di cư tránh nóng từ phương Nam lên. Chính vì vậy, VQG Xuân Thuỷ là “Ga chim quốc tế” quan trọng của nhiều loài chim quý, hiếm, đặc biệt là nơi sinh sống của nhiều loài chim nước. Đây cũng là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á (EAAFP). Tại đây cũng có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: móng tay, cáy mật, cua bùn, cá song, cá hói...

Đánh giá về sự phát triển đa dạng các loài động, thực vật tại VQG Xuân Thuỷ, đồng chí Doãn Cao Cường, Giám đốc VQG Xuân Thuỷ cho biết: Kết quả giám sát, theo dõi trong 20 năm trở lại đây cho thấy, số lượng cá thể cò mỏ thìa diễn biến hàng năm từ 36-93 cá thể/năm. Số lượng cá thể cò mỏ thìa ở những năm 2020-2024 cao gấp 2-2,5 lần so với thời điểm 2011-2015. Đặc biệt trong những năm 2023-2024, số lượng cá thể cò mỏ thìa di cư về VQG Xuân Thủy duy trì ở mức cao 80-81 cá thể/năm.

Cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thuỷ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ quan trắc dữ liệu khí tượng thuỷ văn theo đúng quy định. (Ảnh Cơ sở cung cấp)

Cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thuỷ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ quan trắc dữ liệu khí tượng thuỷ văn theo đúng quy định. (Ảnh Cơ sở cung cấp)

Vào tháng 3/2023, một nhóm các chuyên gia về bảo tồn đã ghi nhận loài mèo cá (Prionailurus viverrinus) tại khu vực VQG Xuân Thủy. Đây là loài được IUCN xếp vào nhóm loài sẽ nguy cấp (VU), theo Sách đỏ Việt Nam (2007) là loài nguy cấp (EN). Loài mèo cá chỉ phân bố ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, chúng sống dọc các sông, suối và đầm lầy ngập nước. Trong thập kỷ qua, quần thể loài này ở phần lớn khu vực phân bố tại châu Á đã giảm sút nghiêm trọng. Như vậy, tổng số loài thú được ghi nhận tại VQG Xuân Thủy đến nay là 9 loài. Tập hợp các dẫn liệu điều tra đã có từ trước tới nay cho thấy số loài sinh vật đã biết ở VQG Xuân Thuỷ và khu vực phụ cận, vùng cửa Ba Lạt là 1.656 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong - cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng, bò sát, ếch - nhái, chim và thú.

Sự đa dạng, phong phú của các loài động, thực vật đã tạo nên những giá trị sinh thái nổi trội của VQG Xuân Thuỷ và thể hiện tính toàn vẹn về sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên… Đây là những tiêu chí quan trọng để VQG Xuân Thuỷ được công nhận là Vườn Di sản ASEAN trong thời gian tới.


Nguồn:https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202505/vuon-quoc-gia-xuan-thuy-huong-toi-muc-tieu-tro-thanh-vuon-di-san-asean-bb16157/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm