Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam học gì từ châu Âu trong xây dựng chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Đúng thời điểm Quốc hội đang xem xét xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, phái đoàn chuyên gia đến từ Estonia và Phần Lan đã có chuyến làm việc tại Hà Nội nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách và hỗ trợ kỹ thuật thông qua công cụ TAIEX của Liên minh châu Âu.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ08/05/2025

Ngày 07/5, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin (TAIEX) do Liên minh châu Âu (EU) triển khai, phái đoàn chuyên gia đến từ Estonia và Phần Lan đã có các buổi làm việc chuyên sâu với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC), Cục Đổi mới sáng tạo (SATI) và Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Tại các buổi làm việc, các chuyên gia EU đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) từ góc nhìn thực tiễn, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giới học thuật và khu vực công trong suốt quá trình hoạch định chính sách.

img

Phái đoàn EU làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, phái đoàn tập trung vào vai trò của tiêu chuẩn trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Tại buổi làm việc, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn sớm cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và năng lượng sạch. Kinh nghiệm từ EU cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn dựa trên sự tham gia sớm và đa chiều là chìa khóa đảm bảo hiệu quả và tính thực tiễn. Việt Nam hiện cũng từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chấp nhận tài liệu kiểm định từ các tổ chức nước ngoài, động thái được EU đánh giá tích cực trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

img

Phái đoàn EU làm việc với Cục Đổi mới Sáng tạo.

Tại buổi làm việc với Cục Đổi mới Sáng tạo, mô hình thử nghiệm chính sách có kiểm soát (sandbox) được triển khai thành công tại Estonia và Phần Lan trong lĩnh vực fintech, y tế số và dữ liệu mở đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Theo đại diện Cục Cục Đổi mới Sáng tạo, đây là kinh nghiệm quý để tham chiếu trong quá trình xây dựng mô hình sandbox phù hợp với Việt Nam. Ngoài ra, việc ứng dụng AI trong quản lý và đánh giá năng lực đổi mới của doanh nghiệp cũng được thảo luận sâu. Estonia và Phần Lan đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định chiến lược. Hiện Việt Nam cũng đang có nhu cầu phát triển các công cụ tương tự để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực và đo lường hiệu quả hoạt động nghiên cứu, đổi mới.

Trong buổi làm việc với Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Pháp chế, các bên đã bàn về thiết kế hệ thống pháp lý, cơ chế tài chính hỗ trợ hiệu quả cho STI và tổng kết hoạt động của nhóm chuyên gia Taiex. EU chia sẻ những công cụ chính sách đang phát huy hiệu quả như: miễn/giảm thuế R&D, tài trợ dự án rủi ro cao, luật mua sắm công nghệ đổi mới và đồng đầu tư công – tư. Theo bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Việt Nam đang nghiên cứu để xây dựng khung chính sách tổng thể, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong thực thi.

Để giải bài toán nhân lực đổi mới sáng tạo, Estonia và Phần Lan đang triển khai các chính sách visa nhanh, học bổng dài hạn và chương trình thu hút chuyên gia kiều bào. Hai quốc gia cùng nhấn mạnh vai trò của hệ sinh thái nghiên cứu hiện đại, thân thiện và gắn kết quốc tế. Đây là những gợi mở quan trọng cho Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về nguồn lực chất lượng cao ngày càng gay gắt.

Quản trị viện nghiên cứu công lập là một trong những nội dung được trao đổi sâu, với trọng tâm là chuyển đổi mô hình tài trợ gắn với hiệu quả đầu ra và định hướng theo mục tiêu quốc gia. Cách tiếp cận linh hoạt, đo lường kết quả và tăng cường liên kết với doanh nghiệp được EU khuyến nghị như một hướng đi tất yếu để nâng cao vai trò của viện nghiên cứu trong chuỗi đổi mới quốc gia.

Chuyến thăm lần này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các mô hình chính sách tiên tiến mà còn mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với Liên minh châu Âu trong lĩnh vực KH&CN. Đại diện phái đoàn EU khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới, thông qua đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và tăng cường kết nối quốc tế./.

Trung tâm Truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác Quốc tế

Nguồn: https://mst.gov.vn/viet-nam-hoc-gi-tu-chau-au-trong-xay-dung-chinh-sach-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-197250508165443059.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm